Kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, PMI tháng 6 lấy lại đà tăng

02/07/2020 15:48

IHS Markit vừa công bố báo cáo cho thấy, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 đã giúp Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 của Việt Nam tăng 8,4 điểm so với tháng trước, đạt 51,1 điểm. Đây là lần tăng thứ 2 trong năm của chỉ số này sau nhiều tháng giảm, do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

PMI tháng 6 tăng 8,4 điểm, về mức 51,1 điểm (Ảnh: TTXVN)

 

PMI của Việt Nam đạt kết quả 51,1 trong tháng 6 so với 42,7 trong tháng 5 và nằm trên ngưỡng trung tính 50 điểm lần đầu tiên trong 5 tháng. Kết quả chỉ số thể hiện tình trạng tiếp tục phục hồi kể từ khi PMI đạt mức thấp kỉ lục vào tháng 4.

Những người trả lời khảo sát cho biết, đại dịch Covid-19 được kiểm soát ở Việt Nam đã góp phần làm tăng số lượng đơn đặt hàng mới. Cả lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian đều có số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Tuy nhiên, lĩnh vực hàng hóa đầu tư cơ bản lại có số lượng đơn đặt hàng giảm.

Trong khi tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới lại giảm do những hạn chế trong di chuyển quốc tế và tình trạng đóng cửa công ty ở một số thị trường xuất khẩu.

Mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới tăng vào cuối quí II, vẫn có bằng chứng cho thấy năng lực sản xuất chưa được sử dụng hết. Lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm, trong khi lực lượng lao động giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Tuy nhiên, tốc độ giảm việc làm là chậm nhất kể từ tháng 2. Những nỗ lực mở rộng sản xuất khiến các công ty tăng tồn kho hàng mua cùng với hoạt động mua hàng tăng nhẹ. Hơn nữa, hàng tồn kho trước sản xuất tăng với mức độ mạnh nhất kể từ tháng 11/2018. Tồn kho thành phẩm cũng tăng, một phần phản ánh sự chậm trễ trong việc chuyển giao hàng thành phẩm.

Các công ty cho biết chi phí đầu vào trong tháng 6 đã tăng lần đầu tiên trong ba tháng. Ở những nơi tăng giá đầu vào, những người trả lời khảo sát nêu nguyên nhân là do khan hiếm một số loại nguyên vật liệu.

Tuy nhiên, tốc độ tăng chi phí chậm hơn so với mức trung bình của lịch sử chỉ số khi nhu cầu hàng hóa đầu vào tương đối yếu. Trong khi một số công ty đối phó với mức chi phí tăng bằng cách tăng giá bán hàng, những công ty khác lại tiếp tục giảm giá bán trong bối cảnh nhu cầu yếu. Giá bán hàng giảm tháng thứ năm liên tiếp nhưng là giảm nhẹ với tốc độ chậm nhất trong thời kì này.

Trước đó, tháng 5 cũng ghi nhận chỉ số PMI tăng 10 điểm, đạt 42,7 điểm. Đây cũng là tháng đầu tiên PMI tăng điểm tính từ đầu năm.

Theo Huy Trung

"https://thuonghieucongluan.com.vn/kiem-soat-tot-dich-benh-covid-19-pmi-thang-6-lay-lai-da-tang-a105606.html"