Đây là một hoạt động có ý nghĩa mở đầu chuỗi hoạt động cao điểm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), đồng thời là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Tham dự buổi lễ, về phía lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Nguyễn Phước Lộc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Ngọc Hải.
Về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên; các Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Vũ Thu Hà, Nguyễn Mạnh Quyền.
Cùng dự Chương trình còn có các đồng chí đại biểu lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo các sở ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; đông đảo người dân và du khách tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội - trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước - là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Với bề dày hơn một nghìn năm lịch sử, Hà Nội sở hữu hàng chục nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, trong đó có nhiều di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Thành phố đã tập trung phát huy, khai thác các giá trị di sản văn hóa với những sản phẩm đặc sắc và độc đáo để phát triển ngành công nghiệp văn hoá và du lịch mang đậm dấu ấn, đặc sắc riêng của Thủ đô Hà Nội, từng bước định vị thương hiệu văn hóa Thủ đô và quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa danh sở hữu kho tàng văn hoá độc đáo, phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử, cách mạng; hệ thống bảo tàng, nhà hát, công trình kiến trúc lâu đời, nhiều lễ hội văn hoá, trung tâm mua sắm, du lịch đặc sắc, hấp dẫn...
"Chương trình “Những Ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh” là dịp để hai thành phố ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, gặp gỡ, chia sẻ, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc, tiềm năng và con người của mỗi địa phương đến với công chúng và du khách; làm sâu đậm thêm tình cảm gắn bó, bền chặt giữa hai địa phương, khẳng định vai trò vững chắc của hai đầu tàu kinh tế, gắn kết tạo thành sức mạnh tổng hợp để cùng phát triển, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước", đồng chí Vũ Thu Hà khẳng định.
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải nhận định, chuỗi hoạt động “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh” không chỉ có ý nghĩa quan trọng, mà còn chuyên chở tình cảm sâu sắc của hai thành phố nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Đây cũng là dịp để hai thành phố tăng cường giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, nghệ thuật, di sản, truyền thống lịch sử, sản phẩm du lịch, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, tiêu biểu đến với nhân dân và du khách trong nước, quốc tế. Đồng thời, qua đó thắt chặt hơn nữa tình cảm, mối quan hệ hợp tác bền vững giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.
"Phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, tình cảm gắn bó và mối quan hệ hợp tác của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai thành phố có vai trò, vị thế đặc biệt của cả nước, hai thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, chương trình làm việc chung để trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm những cách làm hay, sáng tạo, những vấn đề mới, khó, phức tạp, góp phần đẩy mạnh hợp tác, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Nhiều kết quả, chuyển biến tích cực, mà việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng điển hình", đồng chí Dương Ngọc Hải nói.
Trong 3 ngày diễn ra chương trình, Ban Tổ chức sẽ mang đến cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố lân cận, du khách các hoạt động ý nghĩa, đặc sắc như: Lễ khai mạc với Chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Dấu son Hà Nội” gồm các màn trình diễn ca múa đặc sắc trên sân khấu và tặng quà 70 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn tổ chức hoạt động triển lãm với các nội dung: trưng bày ảnh tư liệu kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội - Di sản cho mai sau”; Triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về Di tích Quốc gia đặc biệt “Văn Miếu - Quốc Tử Giám”; trưng bày, triển lãm, giới thiệu tinh hoa Đạo học Việt Nam.
Thành phố Hà Nội cũng tổ chức hoạt động “Quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh”; Chương trình giao lưu nghệ thuật “Giai điệu trẻ”; giao lưu thể thao…
Lễ khai mạc mang đến Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Dấu son Hà Nội” gồm các màn trình diễn ca múa đặc sắc trên sân khấu, lấy ý tưởng từ Cột cờ Hà Nội - di tích lịch sử đặc biệt, một trong những biểu tượng của Thủ đô. Biểu tượng này được xem như “chứng nhân lịch sử” cho sự kiên cường, bất khuất của người dân Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp oanh liệt. Bên cạnh đó, vẻ đẹp của đất và người Hà Nội cũng được thể hiện qua sân khấu, tái hiện bằng những khung tranh “Phố Phái” đầy cảm xúc.
Chương trình là sự kết hợp giữa các phần trình diễn dàn nhạc - hợp xướng - ca, múa, hoạt cảnh gợi mở dưới góc độ nghệ thuật những giá trị lịch sử, văn hóa và giới thiệu khái quát về một Thủ đô Hà Nội: Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thủ đô Hà Nội - Thành phố Anh hùng; Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình, Thành phố Sáng tạo.