Đây là thông tin được Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải công bố mới đây. Cụ thể, cơ quan này cho biết tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển thông qua cảng biển trong 4 tháng đầu năm nay đạt 277,231 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng tới 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, cả hàng xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng mạnh. Hàng xuất khẩu đạt 67,082 triệu tấn, tăng 19% và hàng nhập khẩu đạt 85,498 triệu tấn, tăng 31%. Hàng nội địa đạt 123,426 triệu tấn, tăng 14% và hàng quá cảnh xếp dỡ đạt 1,225 nghìn tấn.
Đối với hàng hóa container thông qua cảng trong 4 tháng đạt 9,302 triệu Teu, tăng 27%. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 2,926 triệu Teu và hàng nhập khẩu đạt 2,963 triệu Teu, tăng lần lượt 22% và 20% so với cùng kỳ 2023. Riêng hàng container nội địa đạt 3,413 triệu TEU, tăng 38% với cùng kỳ năm trước.
Cục Hàng hải VN nhận định, đây là tháng thứ 3 liên tiếp khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển có mức tăng trưởng đạt trên 20% so với cùng kỳ năm trước (do cùng kỳ năm trước là những tháng có mức giảm nhất kể từ khi có dịch Covid-19. Bốn tháng đầu năm 2023 đã giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022).
Hiện tại, có thể cho thấy nền kinh tế đã có xu hướng hồi phục. Các khu vực có sản lượng cao nhất nước như TP.HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh đều có mức tăng trưởng từ 15% đến 36% so với cùng kỳ.
Một số khu vực khác có sản lượng tăng như Huế tăng 60%; Quy Nhơn tăng 37%, Cần Thơ tăng 45%, Thanh Hóa tăng 36.17%, Nghệ An tăng 19%; Quảng Ngãi tăng 17.2%; Đà Nẵng tăng 19%.
Tuy nhiên, vẫn có một số khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua nhỏ giảm như An Giang, Thái Bình, Quảng Trị, Đồng Tháp.
Cùng với mức tăng của khối lượng hàng hóa thông qua, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng trong 4 tháng đầu năm 2024 cũng tăng cao là 27% với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các khu vực có sản lượng container thông qua lớn Hải Phòng, TP.HCM, Vũng Tàu đều ghi nhận mức tăng từ 11% đến 43% so với cùng kỳ.
Khu vực Đà Nẵng tăng 22,81%, Đồng Nai tăng 96%, Nghệ An tăng 16%, Thanh Hóa tăng 28%; Một vài khu vực nhỏ giảm thấp như: Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Tháp.
Mặc dù lĩnh vực cảng biển nước ta có mức tăng trưởng tốt, tuy nhiên theo giới chuyên gia, năm 2024, ngành này dự báo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, chưa có dấu hiệu phục hồi. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn đang gặp khó khăn. Những diễn biến bất ổn, căng thẳng địa chính trị tại một số quốc gia trên thế giới liên tục leo thang gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu...
Ngoài ra, việc giá cước vận tải container liên tục giảm cũng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp. Điều này khiến các hãng tàu phải cắt giảm mạnh chi phí hoạt động dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán giá dịch vụ giữa các cảng và hãng tàu. Trong bối cảnh thị trường chung khó khăn, các cảng tư nhân thực thi nhiều chính sách giảm giá, tăng chiết khấu để lôi kéo khách hàng khiến thị phần bị chia sẻ, tình hình cạnh tranh về dịch vụ cảng biển ngày càng gay gắt. Trước những khó khăn này, doanh nghiệp cảng biển đều đang lên những chiến lược để có thể đạt được kế hoạch đề ra.