Hiểu đúng về 2 phương pháp xét nghiệm Covid-19

06/08/2020 18:11

Hai phương pháp xét nghiệm Covid-19 hiện nay là xét nghiệm RT-PCR với kết quả mang tính khẳng định, và xét nghiệm nhanh có ý nghĩa sàng lọc.

Hiện nay có 2 phương pháp xét nghiệm Covid-19 là xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh

 

Xét nghiệm RT-PCR cho phép xác định sự hiện diện của virus trong cơ thể, thường được chỉ định cho nhóm người bị phơi nhiễm trong vòng hai tuần đầu hoặc theo dõi quá trình điều trị các bệnh nhân đã được chẩn đoán nhiễm Covid-19. Phương pháp này tốn kém về kinh tế, quy trình kỹ thuật phức tạp, thời gian chờ kết quả lâu.

Ngoài ra, những ngày đầu mới nhiễm, virus chưa nhân lên đủ lớn và chưa xuất hiện nhiều trong dịch đường hô hấp. Khi ấy kết quả xét nghiệm có thể âm tính mặc dù cơ thể đã bị nhiễm. Nếu kỹ thuật lấy mẫu, kỹ thuật bảo quản mẫu bệnh phẩm không đảm bảo, thì cũng cho kết quả xét nghiệm không chính xác. Hoặc, sau hai tuần bị nhiễm, xét nghiệm có thể từ dương tính chuyển thành âm tính đối với các trường hợp tự khỏi hoặc được điều trị khỏi.

Xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus trong máu (xét nghiệm nhanh) cho phép xác định việc bệnh nhân có đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm với virus hay không. Nếu người đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm thì trong máu sẽ có kháng thể kháng Covid-19.

Xét nghiệm này thường chỉ định cho các trường hợp sau hai tuần bị phơi nhiễm, thời gian đủ để cơ thể sản xuất ra kháng thể. Kỹ thuật đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh nhưng nếu làm sớm trong hai tuần đầu khi cơ thể chưa sinh ra kháng thể thì kết quả vẫn âm tính mặc dù cơ thể đã nhiễm Covid-19. Trong trường hợp kết quả dương tính, cũng không thể xác định được kháng thể được sinh ra trong lần nhiễm gần đây hay lần nhiễm trong quá khứ. Khi đó, cần làm bổ sung xét nghiệm RT-PCR để có khẳng định chính xác.

Ngoài ra, xét nghiệm nhanh còn để xác định xem cơ thể có kháng thể kháng lại virus chưa. Tuy nhiên, kháng thể thường hình thành sau hai tuần bị nhiễm.

Do đó, nếu xét nghiệm nhanh dương tính mà xét nghiệm RT-PCR âm tính thì có thể lý giải rằng người đó đã từng phơi nhiễm với nguồn lây hoặc đã từng nhiễm bệnh và khả năng lây bệnh cho người khác không còn.

Ngược lại, nếu xét nghiệm nhanh âm tính mà xét nghiệm RT-PCR dương tính, thì khả năng người đó mới bị nhiễm bệnh trong một vài ngày gần đây.

Hiện nay, vì lý do kinh tế, kỹ thuật và thời gian cho nên xét nghiệm RT-PCR không thể làm rộng rãi trong cộng đồng. Xét nghiệm nhanh hiện nay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất giúp cho ngành y tế chống dịch.

Trang Nguyễn

"https://thuonghieucongluan.com.vn/hieu-dung-ve-2-phuong-phap-xet-nghiem-covid-19-a109661.html"

Bạn đang đọc bài viết "Hiểu đúng về 2 phương pháp xét nghiệm Covid-19" tại chuyên mục XÃ HỘI.