Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước có đủ quyết tâm, nguồn lực, công cụ để thực hiện các giải pháp phù hợp trước mắt và lâu dài để thị trường vàng phát triển ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý xác đáng của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng tham mưu đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo quy định Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đầu mối thực hiện quản lý Nhà nước về thị trường vàng. Việc điều hành thị trường vàng, cần căn cứ vào diễn biến bối cảnh trong nước, quốc tế, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, diễn biến kinh tế vĩ mô để quyết định thời điểm, mức độ, liều lượng can thiệp thị trường vàng phù hợp.
Để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã bán vàng theo hình thức mới tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), hiện giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng, thu hẹp đáng kể so với mức gần 20 triệu đồng thời gian trước.
Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều đánh giá các biện pháp can thiệp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước đã mang lại hiệu quả, thu hẹp được chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các cơ quan chức năng.
Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng thừa nhận, nếu Ngân hàng Nhà nước không can thiệp thị trường vàng, để giá chênh cao sẽ tác động tiêu cực như buôn lậu, trốn thuế, mất cân đối cán cân thanh toán, ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá và vĩ mô.
Có ý kiến cho rằng, diễn biến thị trường thời gian qua có dấu hiệu của việc thuê xếp hàng, thao túng, lũng đoạn thị trường. Các đơn vị tham gia bán vàng miếng SJC đều khẳng định, sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, công nghệ để tạo sự thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vàng thực, loại bỏ việc đầu cơ. Tuy nhiên, cũng cần truyền thông để người dân nhận thức rõ, tránh hiệu ứng tâm lý khi mua vàng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thời gian tới, Vietcombank tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và tiếp tục tối ưu quy trình cung ứng vàng, bán vàng cho người dân. Trong số đó sẽ tiếp tục đưa việc bán vàng lên app, thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng đảm bảo minh bạch và tiện lợi.
"Vietcombank bảo mật toàn bộ thông tin đã được khách hàng nhập trên tiện ích đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến và chỉ sử dụng thông tin này cho giao dịch mua vàng miếng SJC khi khách hàng đến các điểm bán vàng miếng SJC của ngân hàng", Vietcombank cho biết.
Kể từ ngày 17/6/2024, Agribank cũng triển khai tiện ích "Đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến ngay trên Website Agribank"...
Theo đó, Agribank chỉ cung cấp dịch vụ bán vàng miếng SJC cho khách hàng đã đăng ký thành công mua vàng miếng SJC trực tuyến trên Website của Agribank. Thời gian đăng ký mua vàng trực tuyến trên Website Agribank: từ 9h00 - 15h00 thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (trừ ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định). Thời gian thanh toán và nhận vàng tại điểm bán vàng miếng SJC của Agribank: từ 13h30 - 16h00 trong ngày đăng ký mua vàng thành công....
Mặc dù vậy, các chuyên gia, ngân hàng cũng khuyến cáo, trước diễn biến thị trường vàng thế giới biến động khó lường, người dân cũng cần thận trọng, tránh hiệu ứng tâm lý khi mua vàng để hạn chế rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước trước đó cũng đã có Công văn hoả tốc gửi Bộ Công an về việc phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời phối hợp xác minh và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường vàng...