Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng ước đạt 52,29% kế hoạch

04/11/2024 09:28

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 10/2024, ước cả nước giải ngân được trên 355.616 tỷ đồng, đạt 47,43% tổng kế hoạch; đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, theo Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia là 16.127,2 tỷ đồng (đạt 59,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Có 15 bộ, ngành và 41 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, còn tới 29 bộ, ngành và 22 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng ước đạt 52,29% kế hoạch- Ảnh 1.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch. Ảnh tư liệu

Đánh giá về tỷ lệ giải ngân 10 tháng, theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính là thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông vận tải cao không đồng đều. Hơn nữa, ngoài một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng cao thì vẫn còn có tới 51 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Đặc biệt, việc một số địa phương được giao kế hoạch vốn lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (TP. Hồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch vốn cả nước nhưng mới giải ngân được 19,63%; TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch vốn cả nước, giải ngân cũng mới chỉ đạt 44,62%).

Thời gian không còn nhiều, nhưng lượng vốn cần giải ngân còn rất lớn. Ông Dương Bá Đức cho biết, đây là áp lực lớn đối với các bộ, ngành, địa phương, nhất là các bộ, ngành, địa phương đang có tỷ lệ giải ngân thấp.

Là cơ quan quản lý về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết đã tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024, như công khai hàng tháng số liệu giải ngân của từng dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giao thông, dự án liên vùng... gửi tới từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để nắm bắt và có giải pháp kịp thời đôn đốc việc triển khai dự án và điều hành kế hoạch vốn của các dự án; chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội giao; kho bạc nhà nước đồng bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với kho bạc nhà nước 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ), tại bất cứ địa điểm nào có kết nối Internet.

Hiện, Bộ Tài chính đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu...

Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, kịp thời điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn...

Huyền My (t/h)