Giá cả sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước

30/03/2024 09:00

Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu cả nước về mức sống “đắt đỏ,” theo sau là Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Dương.

Theo báo cáo Chỉ số Giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thứ tự đắt đỏ giữa các vùng kinh tế - xã hội không biến động nhiều so với năm 2022. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước.

Giá cả sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nhịp sống Kinh tế

Vị trí thứ hai là vùng Đông Nam Bộ với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 99,97%, tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc 99,86%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 98,08%, Tây Nguyên 97,67% và cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long 95,93%.

Tại Đồng bằng sông Hồng, chỉ số SCOLI chỉ ra, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí đầu tiên về mức giá “đắt đỏ” với mức thang 100%. 

Trên cơ sở đó, Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với chỉ số SCOLI bằng 98,44%. Quảng Ninh đứng vị trí thứ ba sự “đắt đỏ” với chỉ số SCOLI bằng 97,94%. Tiếp theo là Hải Phòng đứng thứ 4 với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 96,07%. Vị trí thứ 5 thuộc về Bình Dương. 

Ở chiều ngược lại, Bến Tre là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2023 thấp nhất cả nước, bằng 85,93% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Bến Tre so với Hà Nội trong khoảng từ 72,02%-101,22%.

Địa phương có giá thấp khác là Nam Định với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 86,35%, Sóc Trăng (87,82%); Gia Lai (87,91%); Long An (87,97%); Nghệ An (88,34%); Hậu Giang (88,47%); Trà Vinh (88,73%); Phú Thọ (88,74%).

Theo Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), chỉ số SCOLI năm 2023 của các vùng kinh tế-xã hội không thay đổi nhiều so với năm 2022. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành giá thận trọng, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với các mục tiêu chung, đảm bảo mặt bằng giá cả thị trường. Theo đó, lạm phát trong năm 2023 đã được kiểm soát ở mức 3,25% và đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Bên cạnh đó, hàng hóa tiêu dùng dồi dào với hệ thống phân phối đa dạng nên mức giá hàng hóa, dịch vụ của các địa phương không biến động nhiều.

Hơn nữa, những năm gần đây, thương mại điện tử được mở rộng và trở thành phương thức mua bán phổ biến của người dân. Nhờ đó, việc so sánh giá của sản phẩm, dịch vụ được thực hiện với nhiều nguồn thông tin được nhanh chóng, đa dạng và có tính khách quan. Trên thị trường, giá hàng hóa công khai, minh bạch, dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhanh chóng đã giúp mức giá sinh hoạt giữa các vùng ngày càng đồng đều hơn.

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố, giữa các vùng trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

 

Minh An (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Giá cả sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước" tại chuyên mục XÃ HỘI.