Câu chuyện về chỉ số công tơ điện và hóa đơn tiền điện tăng cao thời gian vừa qua nhận được sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt trong tháng 5, tháng 6 khi hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình có dấu hiệu gia tăng đột biến làm cho vấn đề này càng trở nên “nóng” hợn bao giờ hết. Bên cạnh đó việc tính giá điện theo bậc thang hiện cũng đang gây được nhiều sự chú ý của dư luận.
Mới đây vào ngày 14/7, tại buổi tọa đàm với chủ đề “ câu chuyện chỉ số công tơ điện và hóa đơn điện tăng cao”, đại diện EVN cho rằng việc hóa đơn tiền điện có dấu hiệu tăng đột biến là do tháng 5 và tháng 6 miền Bắc Hà Nội chính thức bước vào thời kỳ nắng nóng kéo dài. Sản lượng tiêu thị điện tăng hơn 45%. Có những thời điểm sản lượng điện tăng kỷ lục. Đặc biệt thời điểm này chúng ta phải chịu nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài.
Trong tháng 6 và tháng 7 hầu hết các khách hàng sử dụng điện năng đều tăng so với tháng 4 và tháng 5/2020. Đặc biệt số lượng khách hàng dùng trên 1000kWh tăng từ 1,06% của tháng 5 đã lên đến 4,71% trong tháng 6 và đến tháng 7 tăng lên 6,58%.
Bên cạnh đó, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN cũng có nội dung báo cáo sơ bộ về tình hình cung ứng điện trong thời gian qua và việc xử lý hóa đơn sai hỏng của tập đoàn EVN.
Ông Lâm cho biết, theo quy luật hàng năm thì việc sử dụng điện sinh hoạt đến tháng 7 mới là cao nhất. Tuy nhiên tình hình sử dụng điện sinh hoạt tháng 6 vừa qua đã tăng rất cao rồi. Riêng TP. Hà Nội tháng 6 tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm và khu vực miền Bắc tăng trưởng 15,49% về chỉ số điện sinh hoạt.
Đề cập đến vấn đề về việc ghi sai hóa đơn tiền điện thời gian qua đã dư luận bức xúc, ông Lâm cho rằng “ việc ghi chỉ số bằng con người, bằng mắt thường, bằng bút và máy tính bảng thì việc sai sót hoàn toàn có thể xảy ra và là điều không mong muốn”.
Ông cũng cho biết thêm trong tháng 6 số yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện là 63.000 khách hàng chiếm 5% trên tổng số yêu cầu của khách hàng liên quan đến các vấn đề về điện. Trong đó số yêu cầu mà khách hàng phản ánh đúng là 419 trường hợp chiếm 0,66% số yêu cầu liên quan đến hóa đơn tiền điện và chỉ chiếm 0,33% tổng số yêu cầu của khách hàng liên quan đến điện.
Cũng tại buổi tọa đàm, vấn đề giá điện bậc thang gây nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian qua cũng được đưa ra. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng Ban Kinh doanh EVN thì “việc áp dụng giá điện bậc thang hiện tại thì gần như tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng giá điện bậc thang. Việc áp dụng giá điện này nhằm mục đích thứ nhất là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, thứ hai là trong biểu giá điện bậc thang người sử dụng ít điện thì sẽ được sử dụng điện với giá tốt hơn. Điều này thể hiện sự nhân văn của chính sách và đã được quy định rất rõ tại Luật điện lực”.
Để trả lời cho câu hỏi biểu giá tính giá điện bậc thang như hiện tại có còn phù hợp không, ông Dũng cho rằng: Hiện nay thu nhập của người lao động ngày càng tăng lên, mức độ sử dụng điện cũng tăng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu sủ dụng nhiều thiết bị điện cũng ngày càng tăng cao.
Theo ông Dũng “vẫn nên duy trì giá điện bậc thang nếu như vẫn hướng tới việc tiết kiệm điện và hỗ trợ người nghèo. Ít ra chúng ta đang đi theo con đường của các nước văn minh trên thế giới kể các các nước giàu như Mỹ, Nhật… và cả các nước nghèo”.
Khi được hỏi về quan điểm của việc nên áp dụng cách tính giá điện thế nào để vừa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, vừa đảm bảo tình hình tài chính của EVN, ông Dũng cho biết “quan điểm của EVN là làm thế nào làm cho người dân hài lòng nhất. Nếu chúng ta có một biểu giá hay nhiều biểu giá, cái gì mà làm cho người dân cảm thấy công khai, minh bạch mà làm hài lòng nhất cho người dân thì cái đấy là cái EVN mong muốn”.
Bên cạnh đó ông Dũng cũng nhấn mạnh Tập đoàn EVN luôn thực hiện nghiêm túc biểu giá được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương ban hành.
Theo Huyền Phạm
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/evn-cach-tinh-gia-dien-bac-thang-la-di-theo-con-duong-cua-cac-nuoc-van-minh/20200716044057513"