EU chiếm gần 40% thị phần xuất khẩu cà phê Việt Nam

08/08/2024 09:42

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, chiếm gần 40% thị phần xuất khẩu với khối lượng đạt 353.468 tấn và kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD.

Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng kim ngạch tăng 40,7%.

Còn theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tính đến hết tháng 5, EU đã chi 5,35 tỷ EUR để nhập khẩu 1,3 triệu tấn cà phê các loại từ thị trường thế giới, tăng 4,8% về lượng và 8,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

EU chiếm gần 40% thị phần xuất khẩu cà phê Việt Nam- Ảnh 1.

Các thị trường cung cấp cà phê chính cho EU bao gồm: Brazil, Việt Nam, Honduras, Uganda, Colombia, Ấn Độ… Trong đó, nhập khẩu từ Brazil dẫn đầu với 489.115 tấn, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Brazil vào EU giảm 7,8% trong 5 tháng đầu năm, xuống còn 3.509 EUR/tấn.

Việt Nam tiếp tục đứng ở vị trí thứ hai với khối lượng đạt 340.598 tấn và trị giá hơn 1 tỷ EUR. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng xuất khẩu chỉ tăng 1,5%, nhưng kim ngạch tăng tới 42,4%, nhờ giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng vọt 40,3% lên mức bình quân 3.136 EUR/tấn. Với kết quả này, thị phần của Việt Nam trong tổng giá trị nhập khẩu cà phê của EU đã tăng từ 15,2% lên 20%.

Nguồn cung cà phê Robusta toàn cầu sụt giảm đã đẩy giá mặt hàng này tăng liên tục trong những tháng đầu năm. Việt Nam, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, được cho là đã hưởng lợi từ xu hướng này.

Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 cũng giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU. Đặc biệt, đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm cà phê khác, khi mức thuế đã được đưa về 0%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam, từ đó tăng cường kim ngạch xuất khẩu vào EU.

Việt Nam hiện đã vượt qua nhiều nước sản xuất hàng đầu khác như Ấn Độ, Thụy Sỹ, Brazil… để trở thành nhà cung cấp cà phê chế biến (cà phê hòa tan, hỗn hợp cà phê) hàng đầu vào EU chỉ sau thị trường Anh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu tăng do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ các tiêu chuẩn Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).

EUDR được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đối với các mặt hàng trong đó có cà phê.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm ngoái, nhập khẩu cà phê của EU từ thị trường thế giới giảm 10% do nền kinh tế suy thoái, lạm phát duy trì ở mức cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu thụ cà phê của người dân châu Âu sẽ tăng trở lại.

Huyền My (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "EU chiếm gần 40% thị phần xuất khẩu cà phê Việt Nam" tại chuyên mục KINH TẾ.