Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn

08/05/2020 18:24

Theo các chuyên gia bất động sản (BĐS), việc bổ sung những quy định mới vào Dự thảo Luật Đầu tư phù hợp hơn với thực tế, góp phần thúc đẩy cho thị trường BĐS tăng trưởng đúng biên độ.

Thị trường bất động sản đang có nhiều điểm nghẽn về thủ tục hành chính

 

Theo đó, Khoản 3.a, Điều 30 của Dự thảo Luật Đầu tư cho phép Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Khoản 1.b, Điều 33 quy định nhà đầu tư sẽ không phải thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư” đối với các “dự án có đề nghị giao đất, cho thuê đất và không thuộc một trong các trường hợp: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Bên cạnh phương thức “ký quỹ”, Khoản 1 Điều 44 của Dự thảo cũng đã bổ sung phương thức “hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ”. Ngoài ra, Khoản 1.d Điều 44 cũng đã quy định nhà đầu tư không phải ký quỹ hoặc không phải có bảo lãnh ngân hàng, trong trường hợp “nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác” .

Ngoài ra, tại Điều 17 của Dự thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh - HoRE cũng đề nghị bổ sung “dự án thử nghiệm (sandbox)”, “dự án nhà ở xã hội”, “dự án nhà ở thương mại giá thấp” và vẫn giữ các điều khoản dành cho “dự án khởi nghiệp sáng tạo” trong danh mục về ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

Bên cạnh đó, hiện nay, tại Luật chuyên ngành khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai… chỉ dùng khái niệm là “chủ đầu tư”. Nhưng thực tế, “chủ đầu tư có thể là cá nhân hoặc một tổ chức được ủy quyền theo pháp luật”.

Do vậy, HoREA cho rằng, tại Khoản 18 Điều 3 của Dự luật cần bổ sung rõ ràng vào “Luật Đầu tư” nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư có thể trực tiếp làm chủ đầu tư hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác làm chủ đầu tư dự án.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Dự thảo, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vướng mắc, ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư có “sử dụng đất”. Nhất là các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp), do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, phải chuyển mục đích sử dụng đất.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện nay thị trường BĐS cũng đang có nhiều điểm nghẽn về thủ tục hành chính. Do vậy, việc sửa đổi Luật Đầu tư cũng sẽ làm giảm thời gian xin cấp phép ở một số khâu, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, để từ đó tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, phát triển thị trường bất động sản ngay sau đại dịch Covid-19 và những năm tiếp theo./.

Theo TH

"https://vietnamhoinhap.vn/article/du-thao-luat-dau-tu-sua-doi-phu-hop-voi-tinh-hinh-thuc-tien---n-30616"