Đây là tháng thứ 2 liên tiếp Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) có doanh số bán hàng giảm sau khi tăng trưởng đến 30% và 33% vào tháng 2 và tháng 3 vừa qua.
Hiệp hội VAMA đánh giá doanh số ô tô giảm sút là tín hiệu đáng lo ngại với nhiều doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, một số địa phương có thể bị hụt thu ngân sách, lao động mất việc làm.
Theo số liệu mới nhất của VAMA tháng 5/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô chỉ đạt 20.726 xe, giảm 8% so với tháng 4 trước đó và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số 20.726 xe bán ra toàn thị trường, bao gồm 14.483 xe du lịch, 6.096 xe thương mại và 147 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch giảm 8%, xe thương mại giảm 6% và xe chuyên dụng giảm 16% so với tháng trước đó. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 12.079 xe, giảm 9% so với tháng trước đó. Doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.647 xe, giảm 5% so với tháng 4.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán hàng toàn thị trường 113.527 xe, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xe du lịch giảm 41%, xe thương mại giảm 12% và xe chuyên dụng giảm 63%.
Cũng xét về nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 62.096 xe, giảm 43% thì xe nhập khẩu là 51.431 xe, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia, bên cạnh doanh số bán xe của các đơn vị thành viên VAMA, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác, như Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo… nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.
Chỉ qua số liệu công bố chính thức của TC Group (Tập đoàn Thành Công) với thương hiệu xe Hyundai, trong tháng 5 vừa qua đơn vị này tiêu thụ 3.575 xe. Bên cạnh đó, VinFast cũng bàn giao 2.996 xe điện cho khách hàng trong tháng qua. Tính chung doanh số của VAMA, TC Group và VinFast, trong tháng 5 vừa qua các đơn vị này tiêu thụ tổng cộng 27.297 xe các loại.
Dựa trên số liệu công bố chính thức từ VAMA, TC Group và VinFast, trong tháng 5 vừa qua Toyota đã vượt qua Hyundai vươn lên là thương hiệu tiêu thụ nhiều xe nhất ở Việt Nam khi đạt doanh số 3.734 xe, đẩy thương hiệu Hyundai xuống ở vị trí thứ 2 khi tiêu thụ được 3.575 xe. Các vị trí tiếp theo thuộc về thương hiệu Kia 2.695 xe, Ford 2.336 xe, Mazda 2.311 xe, Mitsubishi 1.803 xe, Honda 1.757 xe…
Theo các chuyên gia ô tô, sức tiêu thụ ô tô toàn thị trường giảm sút trong 2 tháng liên tiếp vừa qua do khó khăn về kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến thị trường giảm theo. Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ được kỳ vọng giúp thị trường ô tô phục hồi và nhu cầu của người tiêu dùng cũng sẽ tăng lên trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để chính sách kích cầu tiêu dùng thị trường ô tô trong nước phát huy tác dụng, ngoài việc giảm lệ phí trước bạ, doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mãi mới có thể đạt được mục tiêu.
Liên quan đến sản xuất lắp ráp và tiêu thụ ô tô, ngày 7/6, vừa qua Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Tư pháp về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, hướng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian áp dụng 6 tháng, kể từ ngày 1/7 đến hết năm nay. Bộ Tài chính ước tính việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm nay có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 8.000 - 9.000 tỉ đồng.
Trước đó, để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Chính phủ đã đồng ý việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, lần 1 là trong 6 tháng cuối năm 2021 và lần 2 là 6 tháng đầu năm 2022. Qua hai lần giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ này, doanh số bán xe toàn thị trường đều có khởi sắc so với trước.