Doanh nghiệp Đức lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam

07/05/2025 09:43

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh doanh Toàn cầu AHK - Mùa xuân 2025 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) công bố, các doanh nghiệp Đức vẫn coi Việt Nam là một thị trường đầu tư đầy hứa hẹn trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động.

Theo báo cáo của AHK Việt Nam, có 54% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong năm tới, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động. Đồng thời, 80% doanh nghiệp Đức đánh giá tình hình hoạt động hiện tại của họ là “tốt” hoặc “đạt yêu cầu”, cho thấy Việt Nam tiếp tục là một môi trường đầu tư tương đối ổn định.

Doanh nghiệp Đức lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Niềm tin này còn được thể hiện rõ qua các kế hoạch đầu tư tương lai của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam khi có tới 38% doanh nghiệp Đức cho biết họ có ý định tăng đầu tư tại Việt Nam - con số này không chỉ cao hơn mức 35% trong khảo sát mùa thu năm 2024 mà còn vượt xa tỷ lệ 24% vào mùa xuân cùng năm.

Song song đó, 43% doanh nghiệp dự kiến sẽ tuyển thêm nhân sự trong năm 2025, tăng mạnh so với mức 35% cách đây nửa năm.

Những con số này tiếp tục củng cố vai trò của Việt Nam như một thành trì sản xuất và trung tâm thay thế chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Không chỉ dừng lại ở kế hoạch, nhiều doanh nghiệp Đức trong thời gian vừa qua đã có những hoạt động mở rộng đầu tư ấn tượng tại Việt Nam.

Trong đó, công ty Ziehl-Abegg vào giữa năm 2024 đã khánh thành nhà máy trị giá 20 triệu USD tại Đồng Nai chuyên sản xuất thiết bị thông gió và truyền động; hay Tập đoàn Kärcher đầu tư 19,4 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch tại Quảng Nam.

Gần đây nhất là vào đầu tháng 4/2025, Tập đoàn Südwolle cũng đưa vào hoạt động nhà máy nhuộm sợi trị giá 21 triệu USD tại Ninh Thuận. Những khoản đầu tư ấn tượng này đã khẳng định cam kết dài hạn của các doanh nghiệp Đức đối với thị trường Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong quý 1 năm nay, các doanh nghiệp Đức đã đầu tư vào 7 dự án mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 11,35 triệu USD, tăng mạnh 81,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính lũy kế đến hết tháng 2/2025, Đức hiện có tổng cộng 490 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,81 tỷ USD.

Theo AHK Việt Nam, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam vẫn đang điều chỉnh để thích nghi với bối cảnh mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Đức cho rằng, ngoài vấn đề thuế đối ứng của Mỹ, môi trường đầu tư vẫn còn đối mặt với các thách thức, đó là: nhu cầu biến động; môi trường kinh tế và chính sách; sự đối xử không công bằng trong thương mại. Những thách thức này càng rõ nét hơn khi chuỗi cung ứng toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn, trong khi giá nguyên vật liệu tiếp tục neo ở mức cao kể từ sau đại dịch.

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với phân tách chuỗi cung ứng, xung đột thương mại và lạm phát, các doanh nghiệp Đức cho rằng, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến sản xuất trung lập trong ASEAN. Lợi thế từ Hiệp định EVFTA càng giúp Việt Nam trở thành đối tác chiến lược trong các kế hoạch định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Đức.

AHK Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) nhận định, Việt Nam đang hội tụ giữa sự ổn định và động lực tăng trưởng - một lợi thế chiến lược hiếm có trong bối cảnh toàn cầu biến động. Với sự chuẩn bị chiến lược bài bản và hợp tác sâu rộng, các doanh nghiệp Đức không chỉ đứng vững trước thách thức, mà còn nắm bắt cơ hội để bứt phá bền vững tại thị trường đầy tiềm năng này.

Minh An (t/h)