Theo Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến hết ngày 15/10, các nhà mạng sẽ chính thức dừng công nghệ 2G. Các thuê bao đang sử dụng thiết bị 2G only (chỉ hỗ trợ băng tần 2G) sẽ bị khóa hai chiều, không thể tiếp tục sử dụng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời điểm hiện tại cả nước còn 700.000 thuê bao 2G Only đang hoạt động, chiếm dưới 1% tổng số thuê bao hòa mạng.
Số lượng thuê bao 2G Only đang hoạt động của từng nhà mạng như sau: Viettel 360.000, VinaPhone 150.000, MobiFone 47.919, Vietnamobile 17.000, ASIM 5.000, VNSKY vài nghìn, Mobicast 423. Hầu hết các khách hàng này đều sống ở vùng sâu, vùng xa, thường là người cao tuổi, ít có nhu cầu sử dụng dịch vụ.
Phần lớn thuê bao trên mạng lưới hiện nay là 4G, được các nhà mạng triển khai từ năm 2016 và các nhà mạng đang triển khai công nghệ 5G tại các thành phố lớn, khu công nghiệp.
Đầu tháng 7, Bộ TT&TT đã ban hành công văn thông báo về lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 2 năm.
Ban đầu, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng lên kế hoạch sẽ tắt sóng 2G từ ngày 15/9. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT vào ngày 13/9, có nội dung kéo dài thời hạn cung cấp dịch vụ 2G Only thêm một tháng (tức ngày 15/10).
Mạng truyền sóng 2G là công nghệ di động được phát triển ở Việt Nam từ năm 1993. Trong những năm qua, các lỗ hổng bảo mật của mạng 2G đã và đang bị tội phạm mạng khai thác ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn.
Không chỉ vậy, 2G cũng là nguyên nhân cản trở việc triển khai những kết nối di động mạnh mẽ hơn như 4G/5G/6G. Do đó, việc thay mới là tất yếu khi công nghệ mới đã sẵn sàng. Đây là sự đồng thuận và thực tế đòi hỏi của sản xuất kinh doanh.
Sự thích ứng và liên tục cập nhật các công nghệ mới đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển sôi động và mạnh mẽ.
Việc lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh (smartphone) đến từng người dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn.
Việc 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.