Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của dệt may Việt Nam đạt khoảng 31 tỷ USD. Số liệu tổng của tháng 9 cho thấy, KNXK ngành hàng này trong tháng 9/2024, đạt 2,98 tỷ USD, giảm 26,5% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 16,0% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, hàng dệt may đạt 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Là ‘ông lớn’ trong ngành dệt may, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng khá khả quan. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 của tập đoàn tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn trong 3 quý của năm cũng có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm trước với doanh thu hoàn thành 73,6% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận bằng 80% kế hoạch, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Khả năng về đích đúng kế hoạch của Tập đoàn năm 2024 được nhận định có ‘cửa sáng’.
Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, từ khoảng cuối quý I, đầu quý II/2024, đơn hàng của doanh nghiệp dệt may trong nước có chuyển biến tích cực, nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu giữ được đà tăng trưởng ổn định. Nhờ đó, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự báo sẽ chạm mốc 44 tỷ USD trong năm 2024.
Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Trung tâm TTCN-TM) nhận định, trong 9 tháng năm 2024, KNXK hàng dệt và may mặc của Việt Nam tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy hoạt động XK ngành dệt may đang cải thiện tích cực, khi tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm. Trong đó, những thị trường XK chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; Thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, XK hàng dệt may; tuy nhiên, XK sang châu Âu (EU) vẫn chậm.
Thời điểm hiện tại, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong 4 quốc gia XK dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ tăng từ 17,6% lên 18,3%; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng XK dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này khoảng 4,4%, …
Bộ Công Thương cho hay tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi, việc giảm tồn kho của các hãng thời trang và các chính sách tiền tệ nới lỏng đang tạo ra một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho đơn hàng dệt may trong những tháng cuối năm và mở ra triển vọng tích cực cho năm 2025.
Theo các chuyên gia, với những tín hiệu khả quan từ thị trường, ngành dệt may Việt Nam chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.
Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu thị trường chưa cải thiện ổn định, cước vận tải biển, chi phí sản xuất… được dự báo tiếp tục tăng tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh.
Do đó, các doanh nghiệp không chỉ cần chú trọng vào giá cả, chất lượng và thời gian giao hàng mà còn cần đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững. Đặc biệt, tại các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản, yêu cầu về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) cũng như tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường) ngày càng khắt khe.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng thị trường và khách hàng.