Tháng 7/2019, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) trở thành ngân hàng thứ 18 giao dịch trên sàn chứng khoán (Mã: VBB sàn UPCoM).
Trong cả năm 2019, chỉ có mỗi ngân hàng này thực hiện việc đăng ký giao dịch chính thức. Các ngân hàng còn lại vẫn đang trong giai đoạn hoặc là khởi động, hoặc là xin phép hoặc vẫn chưa có kế hoạch lên sàn và đang giao dịch trên thị trường phi tập trung OTC.
Mới đây, HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đề xuất cổ đông tạm hoãn lại các hoạt động xúc tiến cho việc niêm yết trên HSX. Không chỉ MSB mà OCB, Nam Á Bank,... đều lỡ hẹn niêm yết cho dù các nhà băng này đã có kế hoạch rất cụ thể.
Việc nhiều ngân hàng còn chần chừ chưa lên sàn đặt ra nhiều nghi vấn về "sức khoẻ" của các ngân hàng này.
Dẫn chứng đầu tiên có thể nhắc đến là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Ngân hàng này từng gây sự chú ý lớn, khi rốt ráo muốn đưa cổ phiếu lên sàn trong năm 2018.
Nguyên nhân được lãnh đạo ngân hàng này đưa ra là do muốn tìm kiếm các cổ đông chiến lược hoặc cổ đông nước ngoài có khả năng để gia tăng năng lực tài chính cũng như quản trị nên phải lùi lại thời gian lên sàn, nhằm có phương án và thời điểm niêm yết hiệu quả nhất. Thế nhưng đã hơn 2 năm qua, kế hoạch này vẫn "bặt vô âm tín".
“Nội soi” kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2020 cho thấy “sức khỏe” của ngân hàng này tương đối khả quan. Tính đến 31/03/2020, tổng tài sản của OCB đạt 118.958 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng và cho vay khách hàng đạt 71.952 tỷ đồng và 77.322 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 9% so với đầu năm.
Số liệu kinh doanh cho thấy, thu nhập lãi thuần tăng 31% so với cùng kỳ, đạt gần 1.181 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của OCB trong quý 1/2020 tăng 113%, đạt 1.477 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 69% còn 5 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác giảm 43% còn gần 27 tỷ đồng. Tính đến 31/03/2020, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 47%, lên mức 331 tỷ đồng.
Tại diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020, ông Lý Hoài Văn - Phó Tổng Giám đốc OCB cho biết sẽ niêm yết cổ phiếu trong năm 2020. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo sẽ thành sự thật!
Bên cạnh nhiều ngân hàng có “sức khỏe” tốt vẫn còn không ít ngân hàng còn vấn đề đáng ngại.
Như tại NamABank, thu nhập lãi thuần trong quý 1/2020 của ngân hàng này giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 465 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng 39% (1.498 tỷ đồng), trong khi thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự chỉ tăng 13% (1.962 tỷ đồng); Lợi nhuận sau thuế giảm 53%, chỉ còn 113 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Nam A Bank ghi nhận tổng nợ xấu ở mức hơn 1.401 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm chủ yếu là do nợ có khả năng mất vốn tăng vọt 45%, lên mức 383 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 1,98%.
Ngoài ra, khoản lãi dự thu tại nhà băng này tăng mạnh 37%, lên mức 1.802 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng ngại lên sàn vì yêu cầu phải minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính. Đặc biệt là những ngân hàng có lợi nhuận thấp, nợ xấu cao sẽ không muốn công khai vì lo ngại ảnh hưởng hoạt động và giá cổ phiếu.
Các ngân hàng "lỡ hẹn" lên sàn như OCB hay Nam A Bank có lẽ cũng không ngoại lệ.
Theo Hà Phương
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/dat-muc-tieu-cu-the-dua-co-phieu-len-san-vi-sao-hang-loat-ngan-hang-van-tri-hoan/20200525090724273"