Thông điệp này đã được ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra tại “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020” do Cục Xúc tiến Thương mại và Sở Công Thương Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội tổ chức sáng 28/5 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội khẳng định, đây là một trong những hoạt động nhằm khôi phục phát triển kinh tế trong giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh của Thành phố Hà Nội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng Việt trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ban tổ chức mong muốn các doanh nghiệp hãy cùng chung tay vượt qua các khó khăn, đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển hậu Covid-19.
Cho rằng thị trường thương mại của Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ từ vòng xoáy tác động của Covid-19, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) dẫn các số liệu minh chứng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4/2020 giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trong khu vực và thế giới đang khiến thị trường XK của Việt Nam trong tháng 4 đều bị giảm sút nhiều so với các tháng trước, trong đó thị trường ASEAN giảm 20% so với tháng 3/2020; Trung Quốc giảm 2,9%; Nhật Bản giảm 9,3%, Hàn Quốc giảm 13,7%, EU giảm 28,6%, Hoa Kỳ giảm 24,1%...
Theo ông Vũ Bá Phú, để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình bối cảnh mới, Bộ Công Thương - trực tiếp là Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ đã bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh và có chỉ đạo sát sao các đơn vị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Cục Xúc tiến thương mại đã tích cực phối hợp rất chặt chẽ với các đại sứ quán, thương vụ và tổ chức XTTM triển khai hiệu quả các hoạt động giao thương trực tuyến hỗ trợ các doanh nghiệp nối lại các hoạt động xuất khẩu và tìm kiếm thị trường và khách hàng mới trong bối cảnh gián đoạn thị trường XK do dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, trong khi đó dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt nhằm hỗ trợ DN khai thác tối đa thị trường nội địa, trước mắt là hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DN nông sản, khắc phục khó khăn về tình hình tiêu thụ. Về lâu dài, hỗ trợ DN tạo chỗ đứng vững chắc, xây dựng uy tín trên thị trường nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trước các đối thủ quốc tế vẫn luôn coi Việt Nam là thị trường tiềm năng và hấp dẫn.
Hội nghị hôm nay là một trong những hoạt động XTTM quan trọng với vai trò nòng cốt của Sở Công Thương Hà Nội đi đầu trong hoạt động hỗ trợ DN và các địa phương khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.
"Thông qua hội nghị, chúng tôi mong muốn sẽ đẩy mạnh được hoạt động cung - cầu hàng hóa và bình ổn thị trường cũng như kích thích tiêu dùng nội địa, đánh thức lại nhu cầu trên thị trường nội địa và hưởng ứng hiệu quả Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Cục trưởng Cục XTTM nhấn mạnh.
Trong phần trao đổi và trình bày tham luận, nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đã đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu và việc làm của người lao động; đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Hà Nội và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian vừa qua; đồng thời kiến nghị tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động kết nối giao thương như hội nghị hôm nay để cộng đồng DN chung tay vượt qua khó khăn, đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Ông Hồ Tỏa Cẩm – Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai trong số ít quốc gia trên toàn cầu đứng đầu về kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, là cơ sở để hai nước tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, khẩn trương khôi phục các hoạt động XTTM.
"Việt Nam là nước lớn về nông nghiệp ở Đông Nam Á, có định hướng phát triển hùng mạnh về nông nghiệp. Trong khi đó, Trung Quốc với 1,4 tỷ dân, là thị trường tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là nông sản. Nhiều sản phẩm nói chung, nông sản nói riêng của Việt Nam được ngày càng nhiều người dân Trung Quốc ưa thích", ông Hồ Tỏa Cẩm nhấn mạnh.
Theo thống kê trong 3 năm gần đây, mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu 150 tỷ USD, nhưng giao thương hai nước về nông sản chỉ là 16 tỷ USD. Do đó, dư địa vẫn còn rất lớn. .
"Chúng tôi đã và đang phối hợp thực hiện công tác XTTM với Bộ Công Thương, Bộ NN & PTNT và các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương của Việt Nam để hỗ trợ DN hai nước. Chúng tôi sẵn sàng làm đầu mối cho DN hai bên kết nối giao thương, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai quốc gia", ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết.
Trong khi đó, thông tin về kết quả triển khai Dự án Thúc đẩy Cải cách và Nâng cao Năng lực Kết nối của Doanh nghiệp nhỏ và vừa do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ (USAID LinkSME), bà Dương Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Dự án USAID LinkSME cho hay, trong thời gian từ đầu năm đến nay với hơn 150 mặt hàng được yêu cầu tìm kiếm nhà cung ứng, 81 đơn hàng được đặt với tổng giá trị gần 250 triệu USD, trong đó có 41 đơn hàng đã hoàn thành với tổng trị giá hơn 1,8 triệu USD.
Bà Kim Liên cũng giới thiệu các giải pháp quy trình cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi liên kết giá trị toàn cầu cũng như các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hậu Covid-19.
Theo Nguyệt Minh
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/danh-thuc-nhu-cau-noi-dia-hau-covid-19/20200528095327209"