Nguồn cung dồi dào từ trang trại đến siêu thị
Theo Sở Công thương Hà Nội, ước tính hàng hóa bán ra trong dịp Tết Nguyên đán 2024 trị giá khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023). Về tình hình cung ứng thực phẩm cho thị trường dịp này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng thiết yếu (gạo, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản…) của thành phố là tương đối lớn, khoảng 150.000 tấn. Hiện thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 địa phương phát triển hơn 900 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn, với hơn 8.500 tỷ đồng cho hàng hóa bình ổn thị trường, gồm: gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Lượng nông sản cung ứng cho thị trường thành phố thông qua ba chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống đạt bình quân 7.600 tấn/ngày.
Để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý, tỉnh An Giang đã triển khai kế hoạch bình ổn thị trường với tổng số tiền dự trữ hàng hóa ước đạt 1.249 tỷ đồng, cùng sự tham gia của 20 doanh nghiệp. Tại tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tham gia chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ thị trường Tết với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Về mặt hàng rau, theo nhận định của các chuyên gia trồng trọt, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho cây trồng. Từ nay đến Tết Nguyên đán, thời gian đủ để nông dân chủ động chuẩn bị nguồn rau cung ứng cho thị trường. Hiện giá bắp cải, su hào, cà rốt, khoai tây, súp lơ, cà chua..., ở nhiều nơi có xu hướng tăng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin, vụ đông năm nay, thành phố gieo trồng 28.512 ha rau các loại, cho nên lượng rau xanh sẽ đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là trong dịp Tết (tiêu thụ khoảng 100.000 tấn rau xanh, tăng 15% so với tháng bình thường).
Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), có 800 ha rau trồng ở các xã: Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nam Hồng..., trong đó có 600 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; với 33 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, rau hữu cơ. Đơn cử như Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 4 tấn rau xanh các loại, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Xã Minh Hương, Phù Lưu, Tân Thành… là trọng điểm vùng cam Hàm Yên (Tuyên Quang), trên khắp các triền đồi, sắc cam đã vàng ruộm. Anh Nông Văn Hương, thôn 1 Minh Quang, xã Minh Hương hồ hởi cho biết, thời điểm này cam bắt đầu chín rộ, mỗi ngày, gia đình cắt từ 4 - 5 tấn cam cung ứng cho đầu mối. So với năm 2023, cam năm nay được cả 4 tiêu chuẩn là được mùa, được giá, được cả chất lượng và mẫu mã. Một kg cam hiện nay cắt tại vườn có giá từ 10 - 11 nghìn đồng/kg, người trồng cam phấn khởi lắm - anh Hương bày tỏ.
Chị Bùi Thị Cúc - đầu mối thu mua, cung ứng cam sành về thị trường Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình cho biết, không riêng cam Minh Hương, Phù Lưu, Tân Thành, nhiều vườn cam tại các xã Bình Xa, Bạch Xa… tỷ lệ cam loại A chiếm khoảng 85 - 90%.
Theo anh Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên, sản lượng cam sành toàn huyện năm nay ước đạt khoảng 67.000 tấn, tăng khoảng 4.000 tấn so với vụ 2022 - 2023. Sản lượng cam tăng, chất lượng, mẫu mã cam cũng vượt trội so với những vụ trước. Hiện toàn huyện Hàm Yên gần 1.700 ha cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…
Các sản phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm Tết như: lợn, gà, trâu, bò, thủy sản cũng đang vào kỳ xuất chuồng. Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc Hợp tác xã Thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ (Sơn Dương) thông tin, với tổng đàn lợn trên 10.000 con, trong đó hơn 1.000 con sẽ được xuất chuồng từ nay đến Tết Nguyên đán, tăng khoảng 40% so với cùng thời điểm năm 2023. Ông Sáng thông tin thêm, Tết này lần đầu tiên, Hợp tác xã sẽ tung ra thị trường sản phẩm mới là gà nuôi thảo dược, với số lượng 3.000 con đạt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng và mẫu mã chưa kể 1 lượng lớn trứng đảm bảo “3 không”: không chất tăng trọng, không chất bảo quản, không dư lượng thuốc kháng sinh.
Thời điểm này, nông dân huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cũng đang tất bật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nhằm đảm bảo nguồn nông sản chất lượng cung ứng cho thị trường.
Trang trại của ông Đặng Tâm Dung, thôn 2 Ngọc Long, xã Hồng Châu (Yên Lạc) lúc nào cũng nhộn nhịp bởi thương lái đến thu mua nông sản. Là một trong những người tiên phong của địa phương thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất bãi, trải qua không ít lần tưởng chừng trắng tay, nhưng ông Dung vẫn quyết làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Thay vì trồng các loại cây rau màu truyền thống, ông Dung chọn cho mình hướng đi riêng là trồng bưởi diễn và chuối ghép phôi. Nhận thấy nhu cầu sử dụng nông sản sạch ngày càng cao của người tiêu dùng, bên cạnh việc gia tăng về sản lượng, ông Dung chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nên tiên phong xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng VietGAP.
Ông Dung cho biết: Để có nguồn cung phục vụ thị trường Tết, bằng kinh nghiệm lâu năm, tôi đã chủ động từ khâu làm đất, cắt tỉa cành, bổ sung chất dinh dưỡng… để bưởi ra hoa, thụ phấn và cho thu hoạch đúng thời điểm cuối năm.
Năm nay, cùng với bưởi diễn, gia đình tôi có thêm giống bưởi Tâm Vân nổi tiếng khắp miền Bắc bởi vị ngọt thanh, thơm mát, mẫu mã đẹp. Theo tính toán của ông Dung, với hơn 630 gốc bưởi, gần 3.000 gốc chuối tây đã đến kỳ thu hoạch, sẽ cung ứng cho thị trường hơn 60.000 quả bưởi và gần 40 tấn chuối.
Với việc áp dụng kỹ thuật trồng theo hướng VietGAP nên sản phẩm nông sản của gia đình ông vẫn giữ được giá cao hơn thị trường. Với chất lượng và uy tín, thương lái thường đến tận vườn thu mua, những ngày cao điểm, ông Dung phải thuê thêm 15-20 lao động địa phương thu hái bưởi và thu hoạch chuối.
Bên cạnh những loại nông sản truyền thống, bằng sự nhạy bén, sáng tạo, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, những năm gần đây, nhiều nông dân Yên Lạc đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để trồng phật thủ.
Đa dạng kênh tiêu thụ
Sản xuất gắn với tiêu thụ, ngành Công thương Tuyên Quang đã sớm bắt tay hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm bạn hàng. Phó Giám đốc Sở Công thương Tuyên Quang Lộc Kim Liễn khẳng định, ngay từ thời điểm tháng 11, Sở Công thương đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng năm 2023 với sự tham gia của ngành Công thương các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Bình, Lạng Sơn, Hà Nội, An Giang, Long An cùng các doanh nghiệp viễn thông, Ban quản lý các chợ đầu mối tại các thành phố lớn.
Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên phấn khởi cho biết, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối thu mua cam trên địa bàn đã ký kết được hợp đồng cung ứng cam sành Hàm Yên về hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình… Đây chính là lý do cam Hàm Yên vẫn giữ được sức tiêu thụ khá tốt.
Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ hệ thống phân phối hoa quả Phương Toản (Hà Nội) hồ hởi cho biết, tham gia 2 chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản Tuyên Quang, hệ thống đã tìm kiếm, ký kết hợp tác với Hội Cam sành Hàm Yên cung ứng, tiêu thụ sản phẩm cam trong chuỗi cửa hàng của thệ thống tại thành phố Hà Nội và Hải Phòng.
Ngoài hỗ trợ kết nối, ngành chức năng còn tập trung hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm giúp họ nắm rõ thông tin cung - cầu các bên, tránh việc sản xuất cung vượt cầu; đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử. Theo thống kê của Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, 79 sản phẩm nông sản đã được kết nối tiêu thụ, trong đó có nhiều sản phẩm như: cam, chè, mật ong, miến dong… đã được kết nối tiêu thụ trên kênh thương mại điện tử như: Vỏ sò, Sen đỏ, Shopee.
Những năm qua, nhằm giúp nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; vận động các hộ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), mạnh dạn đưa những giống mới có năng xuất, chất lượng cao vào sản xuất.
Hỗ trợ nông dân vay vốn để xây dựng mô hình phát triển kinh tế, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, cung ứng dịch vụ phân bón trả chậm, tham quan học tập các mô hình kinh tế hiệu quả… Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích các hộ nông dân tăng cường tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề tại các hội chợ, sàn thương mại điện tử.
Đến nay, hội đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đưa 20 sản phẩm nông sản lên sàn điện tử Postmart, xây dựng các sản phẩm OCOP như khoai lang ở xã Bình Định; bánh đúc, bánh cuốn ở xã Nguyệt Đức; bánh đa nem ở xã Đồng Cương…