Đắk Nông: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hoành hành - ai chịu trách nhiệm?

27/05/2020 23:19

Dư luận có quyền đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc bên nào trước tình trạng phân bón giả kém chất lượng tràn lan trên thị trường trong thời gian vừa qua.

Thiệt hại hàng tỉ USD do phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng

Theo thông kê của Bộ NN&PTNT, trên thị trường có 50% là phân bón giả, không đủ chất lượng. Mỗi năm, ngành nông nghiệp nước ta bị thiệt hại gần 2 tỷ USD do phân bón giả, kém chất lượng.

Như vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương trong lĩnh vực này.

Cơ quan chức năng kiểm tra tình hình kinh doanh phân bón (Ảnh: Đỗ Hưng)

 

Thực tế hiện nay, việc quản lý phân bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý còn Bộ NN&PTNT quản lý phân bón hữu cơ và phân bón lá. Bộ NN&PTNT đã cấp phép gần 5.300 chủng loại phân bón có trong danh mục. Bộ Công Thương đã cấp xong giấy hợp chuẩn, hợp qui cho các doanh nghiệp với số lượng xấp xỉ 1.000 loại. Phân bón nằm ngoài danh mục, trôi nổi trên thị trường ước tính cũng xấp xỉ 1.000 loại.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ NN&PTNT thì trên thị trường có tới 50% là phân bón giả, không đủ chất lượng. Với tình trạng cấp giấy chứng nhận phân bón như hiện nay thì công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sử dụng cho người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Cũng chính từ tồn tại này nên phân bón giả, phân bón nhái, kém chất lượng thời gian qua đã có “đất” để phát triển.

Thời gian qua, trên địa bàn Đắk Nông  xuất hiện các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được bày bán tràn lan với rất nhiều nhãn hiệu, hàng hóa của nhiều đơn vị sản xuất, phân phối và kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên một thực tại đáng báo động đó là việc không ít nông dân, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng cây trồng ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế của bà con nông dân. Trước thực trạng đó, trong năm 2019 Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông (Sở NN&PTNT) đã tăng cường công tác Thanh tra, kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh và thực hiện hai đoàn Thanh tra trong đó gồm: Quyết định số 186/QĐ-SNN ngày 16/4/2019 và Quyết định số 560/QĐ-SNN ngày 16/7/2019 của Giám đốc Sở NN&PTNT về việc thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về việc quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, kết quả như sau:

Sở NN&PTNT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 336 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh, trong đó có 65 cơ sở kinh doanh phân bón; 46 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV; 222 cơ sở vừa kinh doanh phân bón vừa kinh doanh thuốc BVTV, ngoài ra Sở NN&PTNT đã tiến hành thanh tra đối với 3 Công ty sản xuất phân bón trên địa bàn. Đoàn thanh tra đã lấy 60 mẫu phân bón, 16 mẫu thuốc BVTV gửi cơ quan chức năng phân tích kiểm nghiệm chất lượng. Qua kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, phân bón và đối chiếu kết quả phân tích mẫu phân bón, mẫu thuốc BVTV phát hiện 27 trường hợp vi phạm (phân bón 10 trường hợp, thuốc BVTV 13 trường hợp, chế phẩm diệt côn trung 04 trường hợp), Chánh thanh tra Sở Sở NN&PTNT đã ban hành 27 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tống số tiền là 79.400.000 đồng, nộp ngân sách nhà nước.

Theo một cán bộ thuộc lực lượng Quản lý thị trường, hành vi trên, bản chất là làm giả phân bón, nhưng không đủ cơ sở để xử lý hàng giả mà chỉ xử lý như hàng kém chất lượng. Hoặc một hành vi khác cũng rất phổ biến là trộn sản phẩm giá rẻ vào sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán lẻ. Một số đối tượng lại cố tính đánh lừa người sử dụng. Ví dụ, trên bao bì ghi là NPK 16 - 16 - 8, theo cách hiểu thông thường là nitơ 16%, lân 16%, kali 8%, nhưng ở dưới bao bì họ ghi thêm dòng chữ rất nhỏ thành phần chính nitơ 1%, lân 1,5% và kali 1%. Đây chính là phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhưng chỉ lực lượng chức năng mới phát hiện ra, còn nông dân thì khó mà biết được. Hoặc nhiều cơ sở sản xuất, lợi dụng người nông dân ít hiểu biết, cả tin, đã thổi phồng sự thật, quảng cáo đưa chất lượng công nghệ lên trời, cố tình không in nhãn mác phụ, hoặc dùng toàn chữ nước ngoài. Thậm chí, có những cơ sở đã trộn đất sét, hoặc mua phân bón của kém chất lượng rồi đóng gói, dán nhãn mác giả cơ sở có uy tín, bán ra thị trường kiếm lời. Những loại phân bón này không những không có giá trị dinh dưỡng cho cây trồng, mà còn làm bê tông hoang hóa đồng ruộng, phá hoại môi sinh.

Có thể nói, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đang trực tiếp bức tử người nông dân, và bức tử cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính, hệ lụy của nó là làm rối loạn an sinh xã hội, làm thiệt hại cho nền kinh tế. Theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại khoảng 2 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả.

Thực thi pháp luật không nghiêm?

Lý do thứ nhất, theo một chuyên gia nông nghiệp là do quá nhiều nhà sản xuất, và cũng quá "bội thực" sản phẩm. Trung Quốc là nước có quy mô sản xuất nông nghiệp gấp 10 lần nước ta mà chỉ có khoảng 700 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón, còn Việt Nam có tới trên 1.000 cơ sở. Thái Lan chỉ dùng khoảng 100 chủng loại phân bón cho nông nghiệp, còn các quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp lớn và những quốc gia phát triển chỉ sử dụng khoảng 20 - 30 loại phân bón mà ta có tới gần 7.000 chủng loại là quá nhiều. Chính vì vậy, phân bón giả dễ trà trộn tiêu thụ dễ dàng và đã vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.

Lý do thứ hai, chính là lực lượng quản lý rất mỏng. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho quản lý rất ít, đội ngũ quản lý không đồng nhất. Hơn nữa, các cán bộ được phụ trách không chuyên trách và thường xuyên bị thay đổi cho nên việc theo dõi nắm bắt tình hình không được hệ thống. Đó là chưa kể xuất hiện cả tình trạng cán bộ quản lý "bảo kê" cho cơ sở sản xuất vì lợi nhuận từ sản xuất phân bón giả khá hấp dẫn.

Lý do thứ ba, là khi bị phát giác, chủ cơ sở sản xuất bị xử lý chưa nghiêm minh. Hãy xem, mỗi năm, lực lượng chức năng đấu tranh bắt giữ khoảng 3.000 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực phân bón, song số vụ việc bị khởi tố chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là xử phạt hành chính. Có những công ty bị phát hiện nhiều lần sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, quảng cáo không đúng sự thật, kết quả kiểm nghiệm hàng hóa cho thấy chất lượng không như in trên bao bì nhưng vẫn tiếp tục được vận hành. Sau nhiều bước kiểm tra, thanh tra, tranh cãi vụ việc lại được chốt lại bằng hình thức xử lý vi phạm hành chính.

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới, các quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp lớn cũng chỉ tồn tại và sử dụng từ 20-30 loại phân bón.

“Nghị định 202-CP giao phân bón vô cơ cho Bộ Công Thương quản lý nên khó kiểm soát. Không đâu như ở nước ta có trên 6.000 loại phân bón trên thị trường điều này sẽ dẫn đến nông nghiệp ảnh hưởng, chất lượng hàng hóa nông sản trong nước ảnh hưởng”, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết.

Cục Trồng trọt là đơn vị đầu mối quản lý cấp phép về lĩnh vực sản xuất phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Bộ NN&PTNT vừa công bố, 11 đơn vị được Cục Trồng trọt cấp giấy cho phép chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón đều sai phạm?! Hiện nay, Bộ Công Thương, Cục Hóa chất quản lý cấp phép, chứng nhận hợp quy đến 90% các loại phân bón trên thị trường nước ta. Tính đến cuối năm 2014, Bộ Công Thương đã cấp phép chỉ định 12 Trung tâm khảo nghiệm, cấp chứng nhận hợp quy và 30 Trung tâm thí nghiệm phân bón.

Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất phân bón giả rất tinh vi, phức tạp và nhất là được sự tiếp tay của một số cán bộ nhà nước, ngay từ việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm.

Ví dụ như theo 02 kết luận của Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông thì Chánh thanh tra Sở NN&PTNT đã ban hành 27 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tống số tiền là 79.400.000 đồng nộp ngân sách nhà nước. Các đơn vị, cá nhân bị xử phạt bao gồm:

Xử phạt 4 triệu đồng cửa hàng thuốc BVTV Hạnh Hương, địa chỉ: Thôn Đắk Hòa 1, Đắk Hòa, Đắk Song, Đắk Nông về hành vi bán hàng giả phân bón vi lượng HAC-03K-HUMATE SUPPER, sản phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông dược Hoàng Ân phân phối, địa chỉ: 24 đường 3, khu nhà ở Hai Thành, KP4, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh.

Quyết định xử phạt của Sở NN&PTNN tỉnh Đắk Nông (Ảnh: PL)

 

Xử phạt 10 triệu đồng cơ sở kinh doanh phân bón Tuấn Vũ, địa chỉ: Nâm N’Jang, Đắk Song, Đắk Nông về hành vi buôn bán hàng giả phân bón trung lượng Thiên Long sản phẩm của Công ty TNHH SXTM Vôi Hà Nam sản xuất, địa chỉ: QL 1A, Thanh Hương, Thanh Liêm, Hà Nam.

Xử phạt 10 triệu đồng cơ sở kinh doanh phân bón Thanh Thủy, địa chỉ: Quảng Tín, Đắk R’lấp, Đắk Nông về hành vi kinh doanh phân bón khi không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tai Việt Nam phân bón Super Zine, sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại sản xuất Phước Hưng sản xuất.

Xử phạt 750 nghìn đồng cơ sở kinh doanh phân bón Thi Tươi, địa chỉ: Nâm N’Dir, Krông Nô, Đắk Nông về hành vi kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng phân bón lá Trùn quế, sản phẩm của Công ty Ni Việt.

Xử phạt 1,5 triệu đồng cơ sở kinh doanh phân bón Tuyền Lực, địa chỉ: TT Đắk Mill, Đắk Mill, Đắk Nông về hành vi kinh doanh phân bón rễ Super lân hiệu Con Ngựa sản phẩm có ghi các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa (bao bì ghi thành phần nguyên liệu P2O5 không có trong quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam), sản phẩm do Công ty TNHH Nông nghiệp hóa chất miền Nam sản xuất, địa chỉ: Lô 1, đường số 1, cụm CN Quốc Quang Long An, ấp 5A, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Xử phạt 6,5 triệu đồng cơ sở kinh doanh phân bón Ninh Khuy, địa chỉ: Thôn 4, Thuận Hà, Đắk Song, Đắk Nông về hành vi kinh doanh phân bón Supper canxi Lân Đen Humic + TE, sản phẩm không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, sản phẩm do Công ty TNHH Sao Phương Nam Phân phối sản xuất, địa chỉ: 58 đường 19E, KP6, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.

Xử phạt 4 triệu đồng cơ sở kinh doanh Xuân Phương, địa chỉ: Thôn 3, Đắk N’Drot, Đắk Mill, Đắk Nông về hành vi buôn bán hàng giả thuốc trừ bệnh Star Super 10SC sản phẩm của Công ty TNHH XS và KD Tam Nông phân phối, địa chỉ: 191/3 Dương Văn Dương, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.

Xử phạt 1,5 triệu đồng đối với ông Đoàn Văn Phúc, chủ cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, địa chỉ: Thôn 8, Nhân Cơ, Đắk R’Lấp, Đắk Nông về hành vi kinh doanh buôn bán hàng giả đối với sản phẩm thuốc trừ bệnh TopNati 760WP, sản phẩm do công ty Nhật Đức INTERNATIONAL COMPANY LIMITED phân phối.

Xử phạt 1,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, nghề nghiệp kinh doanh thuốc BVTV và phân bón, địa chỉ: Thôn 3, xã Tâm Thắng, Cư Jút, Đắk Nông về hành vi buôn bán thuốc trừ sâu SairiFos 585 EC không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng như đăng ký. Sản phẩm do Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật Sài Gòn phân phối.

Xử phạt 2 triệu đồng đại lý Minh Quyết, địa chỉ: Thôn 8, Quảng Tân, Tuy Đức, Đắk Nông về hành vi kinh doanh thuốc trừ sâu rầy Sư tử chúa Lion Super 750 EC, không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa (Sản phẩm đăng ký trên cây lúa; Ghi thêm trên cây: Sầu riêng, mít, cam, xoài). Sản phẩm do Công ty Cổ phần Phúc Trời phân phối, địa chỉ: 579/1/6 tỉnh lộ 15, Tân Thạnh Đông, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Xử phạt 2,5 triệu đồng cửa hàng thuốc BVTV Duy Linh, địa chỉ: xã Đắk Nia, TX Gia Nghĩa, Đắk Nông về hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa đối với chế phẩm Map Permethrin 50EC, sản phẩm do Công ty TNHH Map pacific Việt Nam chịu trách nhiệm về chế phẩm tại Việt Nam, địa chỉ: 101/06 đường 3, KCN Long Bình (AMATA), Biên Hòa, Đồng Nai.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc kinh doanh, sản xuất phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng nếu chỉ xử phạt hành chính thì không đủ sức răn đe vì loại tội phạm này gây tác hại vô cùng lớn đối với kinh tế, xã hội.

Một lần nữa, câu hỏi về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ và chính quyền các địa phương hay nhà sản xuất phân bón cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Theo Hải Đăng

"https://thuonghieucongluan.com.vn/dak-nong-phan-bon-thuoc-bao-ve-thuc-vat-kem-chat-luong-hoanh-hanh-ai-chiu-trach-nhiem-a100404.html"