Trong khi đang loay hoay tìm hướng thoát nghèo thì một lần đọc báo thấy ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) có nhiều mô hình trồng nấm hiệu quả, anh Bình đã tìm đến tham quan và được hướng dẫn tận tình. Nhận thấy nghề trồng nấm đơn giản, chi phí thấp, thời gian cho thu hoạch nhanh; nguyên liệu như mùn cưa, vôi, cám… đều sẵn có ở địa phương, anh Bình quyết tâm xây dựng cơ sở trồng nấm tại gia đình.
Nói là làm, sau một tháng đi học kỹ thuật trồng nấm tại huyện Krông Ana, anh Bình bắt tay vào xây dựng cơ sở trồng nấm. Ban đầu anh trồng nấm sò và nấm bào ngư xám. Thời gian đầu, do ít kinh nghiệm chăm sóc nên nhiều phôi bị hỏng, nấm phát triển chậm, sản lượng thu hoạch thấp. Bên cạnh đó, mặt hàng này còn chưa quen với người dân trong vùng nên gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Không nản chí, anh Bình vẫn kiên trì với mô hình trồng nấm của mình, sau những lần thất bại, anh lại tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm. Những lần trồng tiếp theo nấm đã lên đều, đẹp, đồng thời anh đã tìm được nhiều mối bán hàng ổn định. Sau 3 tháng trồng nấm sò và bào ngư xám, anh Bình mạnh dạn trồng thêm nấm linh chi. Đây là loại nấm đòi hỏi nhiều kỹ thuật và khó trồng hơn các loại nấm khác.
Đến nay, anh đã xây dựng được 3 nhà trồng nấm, với tổng diện tích trên 240 m2, tổng sức chứa khoảng 32.000 phôi nấm. Anh Bình cho biết, mỗi phôi sau khi treo 2 tháng thì nấm bắt đầu mọc. Mỗi đợt phôi sử dụng được khoảng 8 tháng. Trung bình mỗi tháng trại nấm của anh sản xuất từ 10.000 -15.000 phôi nấm, cung cấp ra thị trường từ 2 - 3 tạ nấm thành phẩm. Sản phẩm nấm của anh Bình cung cấp cho các chợ, quán ăn trên địa bàn huyện và khu vực lân cận… Tùy từng loại nấm mà giá cả cũng khác nhau, như nấm sò bán ra thị trường có giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, nấm bào ngư xám 30.000 - 35.000 đồng/kg, nấm linh chi 700 - 800 nghìn đồng/kg tươi. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh Bình lãi khoảng 200 triệu đồng.
Anh Bình chia sẻ: “Trồng nấm không khó nhưng phải chịu khó chăm sóc và kiên trì với nghề. Về nguyên liệu nên chọn mùn cưa của cây cao su, trộn với vôi và bột cám theo tỷ lệ vừa phải và độ ẩm từ 60 - 70%. Khu cấy mô phải đảm bảo đạt chuẩn với yêu cầu kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại. Khu ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng, nhiệt độ trong trại luôn giữ từ 25 - 30ºC”. Theo anh Bình, nấm bào ngư không quá khó trồng nhưng lại dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng tấn công. Do đó, sau mỗi lần thu hoạch nấm, cần tiến hành rải vôi diệt khuẩn, rửa nền và phơi nền để diệt địa y, rong rêu. Để tạo môi trường tốt cần cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm và cách bảo quản đúng kỹ thuật. Tại mỗi nhà trồng nấm, anh đầu tư hệ thống máy tưới đảm bảo cấp nước liên tục ngay cả khi mất điện. Bên cạnh đó, anh kết hợp che màn vải để giữ được độ ẩm cần thiết.
Với mô hình sản xuất theo hướng sạch, an toàn, trong thời gian tới, gia đình anh Bình dự kiến vay thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất và trồng thêm các loại nấm khác như: nấm mèo đen, nấm rơm... để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/-dak-lak-thu-nhap-kha-nho-trong-nam-huu-co/20200319095207155"