Doanh nghiệp chồng chất khó khăn
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây tươi, từ đầu năm đến nay, Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Tươi (TP Hồ Chí Minh) rất vui mừng vì các mặt hàng trái cây tươi nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, doanh nghiệp khốn khổ với việc giá cước vận tải biển tăng cao, song rất khó khăn để thuê các container rỗng. Nhiều đơn hàng đã ký, doanh nghiệp buộc phải chọn các tuyến đi đường vòng để tiết kiệm chi phí, song giải pháp này cũng không quá khả quan khi hoa quả tươi dễ bị hỏng nên không thể chọn các tuyến vận chuyển quá dài, mất thời gian.
Bà Võ Thanh Châu, Giám đốc công ty chia sẻ: “Để tránh thiệt hại, Công ty Thanh Tươi buộc phải tạm ngưng xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường có giá quá cao hoặc vận chuyển bằng máy bay”.
Cũng gặp khó khăn do cước tàu biển tăng cao, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước cho biết, hiện giá cước tàu biển từ Việt Nam đi châu Âu trên dưới 4.000-5.000 USD/container, tăng gấp 2-3 lần so với cuối năm ngoái. Trung bình một container xuất đi Mỹ khoảng 6.000-7.000 USD, tăng gấp đôi so với trước đó. Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng, dao động từ 1.000-2.000 USD/container. Ngoài việc tăng cước phí thì thời gian vận chuyển hàng hóa cũng tốn nhiều hơn từ 7-10 ngày, khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn.
Sau năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn, tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đang khởi sắc trở lại. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7 (1-15/7), tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 16,26 tỷ USD. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 7, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/7 lên con số 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD).
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, đặc biệt là từ tháng 5 đến nay, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tình hình vận chuyển tàu biển đi các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đang rất căng thẳng. Nghiêm trọng nhất là tuyến tàu sang châu Âu, cước vừa đắt vừa không có chỗ. Nếu trước đây các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu đến cửa khẩu đi (FOB) và nhập khẩu tại cảng đến (CIF) nên ít quan tâm cước tàu vì đối tác lo. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp Việt chuyển sang xuất khẩu hình thức CIF nên diễn biến cước tàu gần đây đã gây ảnh hưởng lớn.
Theo dữ liệu của công ty tư vấn hàng hải Drewry, mức cước vận tải giao ngay của một container hàng hóa 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ) đã đạt mức 9.387 USD vào giữa tháng 7.
Con số này cao gấp đôi so với hồi tháng 2, dù vẫn thấp hơn mức đỉnh 16.000 USD trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Hàn Quốc đến Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng tháng thứ hai liên tiếp và tăng 121,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới chuyên gia lý giải nguyên nhân giá cước tăng chủ yếu do các hãng vận tải buộc phải chuyển hướng tránh đi qua kênh đào Suez do rủi ro an ninh trên Biển Đỏ, khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và làm tăng chi phí. Áp lực giá cả được cho rằng sẽ chỉ có thể dần lắng dịu vào nửa đầu năm 2025.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp?
Châu Âu là thị trường trọng điểm của hàng Việt Nam, cũng là thị trường đang “nóng” nhất về vấn đề cước vận tải biển. Bà Đinh Thị Hoàng Yến, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Áo, kiêm nhiệm Slovenia cho biết, tháng 10/2023, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế Việt Nam và Slovenia lần thứ 3 tại thủ đô Ljubljana của Slovenia.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đến thăm và làm việc với cảng Koper - cảng biển lớn nhất của Slovenia và là một trong 3 cảng lớn của vùng biển Adriatic bên cạnh cảng Trieste của Italia và cảng Rijeka của Croatia, nối với biển Địa Trung Hải và thông qua Ấn Độ Dương qua kênh đào Suez. Phía Slovenia bày tỏ mong muốn tạo sự kết nối trực tiếp giữa các cảng biển Việt Nam với cảng Koper của Slovenia, một trong những cảng có vị trí địa lý chiến lược, là Trung tâm logistics hàng đầu tại châu Âu nói chung và khu vực Adriatic nói riêng.
“Thông qua kết nối này, với thế mạnh về cảng biển và logistics, Slovenia có thể trở thành cầu nối gần hơn, nhanh hơn và chi phí hợp lý hơn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU, nhất là các nước Đông Âu và Trung Âu”, bà Đinh Thị Hoàng Yến nói.
Dự báo, các khó khăn về cước tàu sẽ chỉ giảm bớt vào nửa đầu năm 2025. |
Mới đây, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có thư gửi ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA) với mong muốn ông Turgut Erkeski và FIATA có thể hỗ trợ, có những biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn về logistics.
Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị FIATA chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp mà các quốc gia và các hiệp hội thành viên của FIATA đã và đang áp dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các khoản phí ngoài cước thu tại cảng.
Trong phạm vi ảnh hưởng của mình với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nhấn mạnh vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu để có ưu tiên phù hợp về phương tiện và thiết bị vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho thị trường Việt Nam.
Bộ trưởng Công thương cũng mong muốn Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận FIATA hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa, địa điểm trung chuyển quốc tế mới của châu Á trong cộng đồng các doanh nghiệp logistics toàn cầu. Ủy quyền cho các tổ chức Việt Nam tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ FIATA để góp phần nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cao...
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng gợi mở một số giải pháp như các hãng tàu nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là quy định về niêm yết, công khai giá cước vận chuyển. Không áp đặt các loại phí, phụ thu không có cơ sở, với mức thu quá cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tăng cường giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển tuân thủ quy định.
“Doanh nghiệp xuất khẩu cần phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế. Tăng cường tận dụng ưu đãi của các FTA. Giải quyết tồn đọng hàng hóa, thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…”, ông Nguyễn Anh Sơn gợi mở.