Cửa giảm lãi suất huy động có dấu hiệu khép lại?

15/04/2021 16:06

Lãi suất liên ngân hàng hiện nay vẫn đang ở mức đáy, thì một vài nhà băng đã có động thái tăng lãi suất huy động... Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy "cửa" giảm lãi suất huy động trên thị trường đã khép lại?

lai1-1618452343.jpg
Lãi suất huy động tại các nhà băng và trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm

Được biết, trên thị trường từ đầu tháng 3 đến nay, một số nhà băng điều chỉnh lãi suất huy động. Trong đó, khoảng 3 - 4 trường hợp điều chỉnh tăng, nhưng lãi suất tăng chủ yếu ở các kỳ hạn dài, số tiền huy động lớn, mức tăng cao nhất cũng chỉ là 0,6 điểm phần trăm.

Chẳng hạn, Sacombank vừa tăng lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn với mức tăng 0,1 - 0,2%/năm. Sau điều chỉnh, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng ở mức 3,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng ở mức 3,4%/năm. Kỳ hạn 6 và 12 tháng lên mức 4,8%/năm và 5,6%/năm, kỳ hạn 36 tháng có lãi suất ở mức 6,3%/năm.

SCB cũng vừa điều chỉnh lãi suất. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng đồng loạt ở mức 3,95%/năm, chỉ thấp hơn 0,05% so với mức trần. Kỳ hạn 6 tháng có lãi suất ở mức 5,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%/năm.

Ngược lại, một số ngân hàng lại điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất mới nhất, DongA Bank đã giảm 0,2%/năm ở tất cả kỳ hạn, đưa lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng về mức 3,4%/năm; lãi suất các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng cũng dao động từ 5,3 - 5,8%/năm. Còn OCB giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng với mức giảm 0,3%/năm.

Tại Nam A Bank, mức lãi suất cao nhất là 6,7%/năm, trong khi ở các "ông lớn" như BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank niêm yết mức lãi suất huy động cao nhất chỉ là 5,6%/năm, nhóm các ngân hàng cổ phần lớn có mức lãi suất huy động cao nhất dao động từ 6,1 - 6,2%/năm.

Trong khi đó, trên thị trường vay mượn vốn giữa các ngân hàng với nhau (thị trường liên ngân hàng), lãi suất giao dịch trong nửa đầu tháng 3/2021 tiếp tục duy trì ở mức thấp ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần.

Cụ thể, ngày 12/3, lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần có chung diễn biến giảm nhẹ, với mức giảm 0,10% và 0,09% so với tuần đầu tiên trong tháng 3, xuống mức 0,41% và 0,51%/năm.

Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm giảm 0,05%/năm, về mức 0,28%/năm. Như vậy, lãi suất liên ngân hàng hiện tại đã quay về mặt bằng thấp của năm 2020.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước không có thêm các hoạt động bơm hút vốn trên thị trường mở. Theo đánh giá của BVSC: "Thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang ở trạng thái dồi dào, do đó Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa chịu áp lực can thiệp vào thị trường mở".

Theo PGS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, dự báo khả năng lãi suất huy động cuối quý I đầu quý II sẽ tăng bởi nhu cầu vốn trên thị trường gia tăng. "Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã kiểm soát dịch khá tốt, thêm vào đó các doanh nghiệp thành lập mới cũng nhiều… Không những vậy, một số nước có hàng hóa xuất nhập khẩu với Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc tiêm ngừa vắc-xin phòng chống Covid-19. Do đó, nhu cầu vốn vay trên thị trường trong thời gian tới khả năng sẽ tăng lên", ông Thịnh phân tích.

Nhiều chuyên gia phân tích tài chính trước đó cho rằng, việc các dự án vẫn chưa được triển khai trên diện rộng dẫn đến nhu cầu nguồn vốn chưa cao là yếu tố chính dẫn đến thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang được duy trì ở trạng thái dồi dào.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát có thể kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục trở lại và việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 bắt đầu được triển khai, trong khi lạm phát tăng trở lại (chỉ số tiêu dùng CPI tháng 2 tăng 01,52% so với tháng trước - mức tăng tháng 2 cao nhất trong vòng 8 năm gần đây), lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới.

Cao Huyền
Bạn đang đọc bài viết "Cửa giảm lãi suất huy động có dấu hiệu khép lại?" tại chuyên mục KINH TẾ.