Sáng 14/4, đồng loạt 3 ATM gạo đặt tại 3 địa điểm khác nhau ở TP. Huế, chính thức đi vào hoạt động, thu hút rất đông người dân có hoàn cảnh khó khăn đến nhận gạo miễn phí.
Các ATM gạo này bắt đầu phát vào lúc 9h sáng đến 17h chiều. Mỗi người cần sẽ được ATM tự động nhả ra tặng 2kg gạo. Nguồn kinh phí lắp đặt máy và nguồn gạo do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn TP. Huế đóng góp.
Lẽ ra ATM gạo đầu tiên ở Huế, đặt tại Trường Đại học Dân lập Phú Xuân, đã xuất kho từ 2 hôm trước. Nhưng do khi mới bắt đầu, số lượng người dân đến nhận gạo quá đông, không đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nên Ban tổ chức đã phải dừng hoạt động, tìm địa điểm mới phù hợp, đảm bảo đúng quy định giãn cách tối thiểu 2m.
Và 3 địa điểm được lựa chọn để đặt máy, chính thức hoạt động vào sáng 14/4, là: Nhà thi đấu (số 1 Hà Huy Tập, phường Xuân Phú); Trường Đại học dân lập Phú Xuân (số 28 đường Nguyễn Tri Phương, phường Phú Nhuận); Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (đường Nguyễn Huệ).
Trước đó, sáng 13/4, chiếc máy ATM phát gạo miễn phí cho dân nghèo đầu tiên tại Đắk Lắk đã chính thức hoạt động. Đây là món quà ý nghĩa do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với một số doanh nghiệp lắp đặt tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (số 2 Phan Chu Trinh).
Nghe tin, bà con địa phương ai cũng vui mừng, phấn khởi. Mới sáng sớm, đã có hàng trăm người dân có hoàn cảnh khó khăn đến nhận. Nhưng ai nấy đều tự giác thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống Covid-19, như: đảm bảo khoảng cách 2m, ngay ngắn xếp hàng đến lượt mình, đeo khẩu trang, rửa tay nước sát khuẩn... Mỗi người nghèo đến đây có thể lấy phần gạo được tặng là 2kg; người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn, có thể được nhận thêm.
Bà Đinh Ngân xúc động nói: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Chồng đi làm thuê xa, tôi ở nhà lo cho vườn tược, chăm sóc các con. Nhưng gần đây, Covid-19 hoành hành, ông xã bị thất nghiệp, nhà 5 miệng ăn chẳng biết trông chờ vào đâu? May sao có máy ATM phát gạo miễn phí, gia đình tôi cũng ấm dạ phần nào”.
Ngoài việc hàng trăm người dân đến nhận gạo miễn phí, cùng ngày, đã có hàng chục mạnh thường quân đến hỗ trợ hàng tấn gạo để chung tay duy trì hoạt động ý nghĩa này.
Cùng ngày, tại Bình Thuận, ATM gạo đầu tiên đã đưa vào hoạt động tại UBND phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, do anh Phan Ngọc An - một người dân địa phương, đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh lắp đặt.
Để đảm bảo gạo được phát đúng người, UBND phường Mũi Né giao cho trưởng các khu phố phát phiếu cho các hộ khó khăn, sau đó người dân dùng phiếu này đến trụ sở UBND phường để rút 2kg gạo.
Mặc dù mới ra mắt, nhưng đã thu hút gần 1.000 hộ đến ATM rút gạo và UBND phường này cũng đã tiếp nhận hơn 15 tấn gạo từ các mạnh thường quân để đảm bảo điểm phát gạo tự động có thể vận hành trong thời gian dài.
Tại Hà Nội, với thông điệp “Chia sẻ yêu thương - Để không ai bị bỏ lại phía sau”, sáng 13/4, chủ máy ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội đã mở thêm điểm phát gạo miễn phí, chia sẻ khó khăn cùng người nghèo do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
ATM gạo thứ hai được đặt tại Nhà văn hóa quận Bắc Từ Liêm (đường Võ Quý Huân, phường Phúc Diễn). Người dân có thể đến nhận gạo từ 8h – 17h hàng ngày. Còn ATM gạo đầu tiên của Hà Nội được đặt tại Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và đi vào hoạt động từ sáng 11/4.
Tại điểm phát gạo miễn phí, mỗi người dân nhận được 3kg gạo từ máy. Trước khi nhận gạo, người dân được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, lấy thông tin cá nhân và xếp hàng với khoảng cách 2m tại các điểm đánh dấu sẵn.
TP. Hồ Chí Minh là nơi cho ra đời ATM gạo đầu tiên của cả nước. Từ ngày 6/4, một chiếc máy cung cấp gạo miễn phí được lắp đặt tại Quận Tân Phú, nhằm hỗ trợ người lao động nghèo trong mùa dịch Covid-19. Thế là nhiều người gọi đây là ATM gạo, bởi máy được lắp ráp từ các thiết bị thông minh và tự động.
Hệ thống của máy là tổ hợp bồn chứa gạo được đặt trên mái nhà, đường ống dẫn xuống phía dưới và một nút bấm thông minh có tích hợp cảm biến. Mỗi người khi đến đây chỉ cần nhấn nút là sẽ nhận được 1,5kg gạo đem về. Sau này, theo đặt hàng của một số nơi, số lượng gạo nhả ra được nâng lên thành 2kg.
Tại điểm phát, ban tổ chức đánh dấu các ô vuông cách nhau 2m cho người dân chờ tới lượt. Ngoài ra, điểm phát cũng bố trí sẵn nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang và bao nilon đựng gạo.
Hiện nay, tại thành phố mang tên Bác, số lượng máy ATM gạo được các mạnh thường quân lắp đặt tăng lên thành 3 điểm và sắp tới sẽ xuất hiện ở nhiều điểm hơn, nằm rải rác ở các quận, huyện để tránh tình trạng quá tải, tập trung đông đúc người dân vào một địa chỉ, nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống Covid-19.
Theo anh Hoàng Tuấn Anh, chủ nhân chiếc máy ATM gạo đầu tiên tại Quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, mô hình hoạt động của các điểm phát gạo miễn phí này dựa trên nguyên tắc đơn vị của anh sẽ cung cấp hệ thống tự động miễn phí; còn việc tiếp nhận gạo, tổ chức sắp xếp, điều phối người nhận do từng địa phương quản lý.
“Các đơn vị, địa phương trên cả nước, nếu muốn lắp đặt hệ thống “ATM gạo” tương tự, tập thể chúng tôi sẽ tặng hoặc chuyển giao công nghệ, để nhân rộng mô hình, với mong muốn chung tay hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước có gạo “đỏ lửa” trong những ngày dịch bệnh hoành hành”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/covid-19-atm-gao-duoc-lap-dat-o-nhieu-tinh-lan-toa-tinh-dong-bao-giup-nhau-trong-hoan-nan/20200414120830871"