Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 964 nghìn tấn cà phê, đạt kim ngạch 3,54 tỷ USD. Điều đáng nói là, mặc dù giảm số lượng, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 7 tháng lại tăng 30,9%.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá trị xuất khẩu cà phê tăng do giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới tăng, đặc biệt là tại các thị trường chính. Trong đó, tại các thị trường xuất khẩu cà phê chủ lực của Việt Nam như Tây Ban Nha, Nga, Mỹ, Indonesia, Philippines, Hà Lan, Trung Quốc... mức giá nhập khẩu đã tăng lên khoảng 30% so với năm trước.
Thời điểm hiện tại, giá cà phê đã tăng gần 2,5 lần so với thời điểm này năm trước. Sở dĩ giá cà phê xuất khẩu tăng là do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng, nhưng nguồn thu đang giảm, đặc biệt là lượng cà phê niên vụ 2023-2024 hiện nay chỉ còn số lượng hạn chế.
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giá cà phê tăng cao trong thời gian qua do nhiều yếu tố, trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu dẫn đến giảm nguồn cung. Ngoài yếu tố khí hậu, các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng...
Theo VICOFA, Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 148.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 2 tháng còn lại của niên vụ 2023-2024 (từ tháng 8/2024 đến đến hết tháng 9/2024). Trong khi đó, niên vụ mới đến tháng 10/2024 mới bắt đầu cho thu hoạch.
Nguồn cung không nhiều có thể đẩy giá cà phê trên thị trường thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngoài yếu tố về giá, thì yếu tố thị trường cũng đang nhiều thuận lợi. Cụ thể, tại thị trường Anh, lượng cà phê Việt xuất khẩu sang quốc gia này tăng.
Bộ Công Thương cũng dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các nước: Tây Ban Nha, Nga, Mỹ, Indonesia, Philippines, Hà Lan, Trung Quốc... sẽ tiếp tục lạc quan trong thời gian tới.
Sản phẩm cà phê Việt đã hiện diện ở nhiều hệ thống phân phối trên thế giới và được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá khá cao. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần chiến lược bài bản về phát triển cà phê chất lượng cao.
Bộ NN&PTNT khuyến cáo, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, hữu cơ… mới có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.