Andrés Albonigamayor (68 tuổi) là thuyền trưởng của một con tàu đánh cá ở Basque (Tây Ban Nha). Có thể nói, công việc Albonigamayor cùng đoàn thủy thủ đang làm góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mỗi lần ra khơi, ông cùng các thuyền viên mang về nguồn protein động vật ít phát thải khí nhà kính. Những con cá sau đó được bảo quản trong dầu và trong lon thiếc hoặc lọ thủy tinh tại nhà máy chỉ cách đó vài km.
Hoạt động đánh bắt cá ngừ vây dài của Albonigamayor đã trở thành một giải pháp đem lại hiệu quả không ngờ cho hành tinh đang nóng lên của chúng ta: Một bữa ăn rẻ, không cần năng lượng để làm lạnh, gần như không bao giờ hỏng và thậm chí là có thể khai thác một cách bền vững.
Thực tế, cách chúng ta ăn uống là một trong những nguồn chính phát thải khí nhà kính, điều đang đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cực đoan mới. Để giải quyết vấn đề này, nhiều nhà đầu tư đang tài trợ cho việc phát triển các loại protein động vật có thể được nuôi trong phòng thí nghiệm thay vì được nuôi trong trang trại. Trong khi đó, các công ty thực phẩm đang tích cực quảng bá các sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật. Đó là một phần của nỗ lực giúp chúng ta giảm bớt tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm đồng thời giảm lượng khí thải làm hành tinh ấm dần lên.
Ít ai để ý rằng, trên các kệ hàng trong siêu thị hay cửa hàng ở khắp mọi nơi, từ 2 thế kỷ qua đã có một loại thực phẩm có sẵn mà không cần nghiên cứu và phát triển hay nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Đó chính là cá hộp, loại protein phát thải carbon thấp gần như hoàn hảo.
Kỹ sư hóa học Gumersindo Feijóo cho biết: "Cá hoang dã cung cấp lượng protein cao nhất với lượng khí thải carbon thấp nhất. Việc bảo quản chúng trong lon thiếc giúp giữ nguyên hương vị, giá trị dinh dưỡng và không cần làm lạnh hoặc thậm chí làm nóng lại trước khi sử dụng".
Cá hộp dường như chưa bao giờ "lỗi mốt" và chúng đang trở lại trong văn hóa ẩm thực. Nhiều đầu bếp và nhà hàng nổi tiếng đã đưa cá hộp vào thực đơn của mình. Henry Rich - chủ một quán rượu ở Brooklyn, cho biết: "Cá hộp có thời hạn sử dụng lâu và giúp hạn chế rác thải thực phẩm. Ngoài ra, nhôm trong lon thiếc có thể được tái chế và tái sử dụng".
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chuỗi cung ứng thực phẩm chiếm ít nhất 35% lượng khí nhà kính của con người trên toàn cầu. Trong đó, lượng khí thải từ thực phẩm có nguồn gốc động vật cao gấp đôi lượng khí thải từ thực vật.
Nghiên cứu mới cho thấy việc giảm tiêu thụ các nguồn phát thải cao nhất như thịt bò và thay thế bằng những loại thực phẩm ít phát thải hơn có thể có tác dụng đáng kể đồng thời mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng hơn.
Cá ngoài tự nhiên không cần thức ăn chăn nuôi, điều này giúp loại bỏ một nguồn phát thải khổng lồ. Chúng cũng không cần năng lượng trong quá trình phát triển như các loại gia súc, gia cầm được nuôi trong trang trại. Hơn nữa, chúng không ợ ra khí metan như gia súc. Lượng khí thải carbon nhỏ từ việc tiêu thụ cá tự nhiên chủ yếu liên quan đến nhiên liệu mà các tàu đánh cá sử dụng.
Theo một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Nature Climate Change, so với tác động toàn cầu của tất cả các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, việc đánh bắt cá tự nhiên chỉ chiếm 4% tổng lượng khí thải. Và cá đóng hộp chiếm tỷ lệ 2% trong lượng khí thải, chủ yếu do quá trình đóng hộp thải ra.
Trở ngại chính đối với việc mở rộng tiêu thụ cá đóng hộp là phải đảm bảo thủy sản tự nhiên có thể tái tạo, an toàn, không bị cạn kiệt do đánh bắt quá mức.
Bart van Olphen - cựu đầu bếp tại một nhà hàng được trao sao Michelin ở Paris (Pháp), cho biết: "Một trong những tổ chức phi chính phủ mà tôi đang hợp tác cho biết, 80% số cá mà tôi mua đến từ nguồn không bền vững. Sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu bạn muốn giảm lượng khí thải carbon nhưng cá của bạn lại đến từ nguồn không bền vững".
Hiện tại, chỉ có 16% sản lượng đánh bắt tự nhiên trên thế giới được Hội đồng Quản lý Hàng hải (MSC) - tổ chức phi lợi nhuận đứng sau chương trình đánh bắt bền vững lớn nhất - chứng nhận. MSC kết hợp dữ liệu từ các nhà khoa học và ngư dân để xác định thời điểm khai thác thủy sản một cách bền vững. Mục tiêu của họ chống đánh bắt quá mức.
Theo thống kê, phần lớn lượng cá được tiêu thụ trên thế giới hiện nay được tiêu thụ khi còn tươi, phần này chiếm 44%. Vì thế, chúng chủ yếu được đánh bắt ở gần bờ. 35% khác được cấp đông và 11% được đóng hộp.
Nhiều thế kỷ trước, chúng ta chưa có chuỗi cung ứng và hệ thống làm lạnh khổng lồ như hiện nay, vì vậy nhiều giải pháp thay thế được áp dụng để bảo quản thực phẩm tươi. Phương pháp đầu tiên được ngư dân áp dụng là ướp muối và gia vị. Từ thời Napoléon Bonaparte, phương pháp đun sôi và bảo quản trong hộp kín đã được dùng đại trà và vẫn được áp dụng cho đến nay.
Thời điểm này, nhiều đơn vị đánh bắt cũng như chế biến cá đóng hộp đã triển khai một số phương pháp để cắt giảm khí thải trong quá trình hoạt động để góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường.