Báo cáo của BSC cho biết, VN-Index kết thúc tháng 4 vừa qua tại 1.209,52 điểm, giảm gần 75 điểm (-5,81%) so với cuối tháng 3. Trong bối cảnh thanh khoản thấp, khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh, cùng với đó áp lực tỷ giá tạo ra những rủi ro nhất định.
Về mặt định giá, P/E VN-Index kết thúc tháng 4 tại 14,55 lần, giảm 5,48% so với tháng 3, chiết khấu 7,42% so với P/E trung bình 5 năm và biến động quanh vùng -1 độ lệch chuẩn; P/B tháng 4 ở mức 1,73 lần. Nhịp điều chỉnh sâu trong tháng 4 khiến P/E VN-Index trở về vùng giá hấp dẫn.
P/E VN-Index được dự báo vận động quanh 15 - 15,5 lần trong kịch bản VN-Index tiến đến vùng 1.298 điểm.
Thanh khoản trung bình tháng 4/2024 trên cả 3 sàn đạt 24.406 tỷ đồng/phiên, giảm 18% so với trung bình tháng 3/2024. Thanh khoản sụt giảm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, diễn biến phức tạp của tỷ giá và kết quả kinh doanh quý 1/2024 của nhiều doanh nghiệp lớn không như kỳ vọng trên nền giá cổ phiếu đã tăng cao từ đầu năm.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước thu hẹp đà mua ròng trong tháng 4. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 5,8 nghìn tỷ trên HOSE trong tháng 4.
Dư nợ margin quý 1/2024 tăng 10,78% quý trước, thiết lập mức kỷ lục mới, vượt giai đoạn quý 1/2022. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán cũng tăng mạnh trong quý đầu năm 2024 nhờ lợi nhuận tăng mạnh và hoạt động tăng vốn. Do vậy, tỷ lệ margin trên vốn chủ sở hữu tại cuối quý 1 là 77,58%, thấp hơn 30% so với giai đoạn cuối năm 2021 và quý 1/2022.
Với kết quả đạt được trong tháng 4 và quý I/2024, BSC Research đưa ra 3 kịch bản cho VN-Index năm 2024. Kịch bản tiêu cực, VN-Index tiệm cận 1.200 điểm. Kịch bản tích cực, chỉ số hướng đến 1.425 điểm. Kịch bản cơ sở với xác suất cao hơn, VN-Index sẽ đạt vùng 1.298 điểm.
Còn theo báo cáo chiến lược tháng 5 của Rồng Việt (VDSC), sang tháng 5, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh và ĐHĐCĐ dần đi qua, nhóm phân tích không kỳ vọng có động lực thông tin từ phía doanh nghiệp đáng kể.
Tuy nhiên, sự điều chỉnh của thị trường trong tháng 4 kết hợp với kết quả kinh doanh tăng trưởng quý I tích cực và triển vọng trong các quý còn lại làm định giá thị trường trở nên hấp dẫn. VDSC cho rằng đây sẽ là yếu tố chính giúp thị trường có sự phục hồi trở lại sau những biến động mang tính chất tâm lý trong tháng 4.
VDSC cho rằng những thời điểm thị trường đi xuống trong tháng 5 sẽ là điểm mua tiềm năng đối với cả nhà đầu trung dài hạn và cả nhà đầu tư ưa thích giao dịch. Nhóm cổ phiếu ưa thích bao gồm ngân hàng (ACB, CTG, MBB); thép, hàng tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng (HSG, HPG, MWG, HAX, SCS, MSN); bất động sản (KDH, NLG, LHG, PHR, SIP, KBC); dầu khí (PVD).