Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT), ngày 8/5, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về thực trạng công tác quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và giải pháp tăng cường hoạt động xuất khẩu sầu riêng.
Theo các số liệu ước tính, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 120-130 triệu USD, với khối lượng xuất khẩu ước tính 35.000 tấn.
Theo báo cáo, những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra. Hệ quả không chỉ khiến chỉ tiêu chung của toàn ngành bị ảnh hưởng, mà còn kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp, chỉ bằng một phần tư so với giá xuất khẩu.
Ghi nhận tại các nhà vườn ngày 8/5, giá sầu riêng được các vựa thu mua tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ phổ biến ở mức 50.000 - 53.000 đồng/kg (loại A), 35.000 - 38.000 đồng/kg (loại B), loại C và D từ 25.000 - 28.000 đồng/kg đối với giống Ri 6. Sầu riêng Monthong (Thái, Dona) ở mức 70.000 đồng/kg (loại A), 50.000 đồng/kg (loại B) và 35.000 - 37.000 đồng/kg (loại C). Còn giá sầu riêng mua xô tại vườn, tùy chất lượng sẽ xoay quanh 30.000 - 35.000 đồng/kg (Ri 6) và 50.000 đồng/kg (Monthong).

Nguyên nhân khiến xuất khẩu sầu riêng sụt giảm được xác định không nằm ngoài những điểm đã tồn tại được chỉ ra như: thiếu cơ sở pháp lý và quy trình kiểm dịch rõ ràng; công tác quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm còn chậm chạp.
Việc cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hệ thống phòng kiểm nghiệm vẫn chưa bắt kịp yêu cầu khắt khe từ phía bạn hàng Trung Quốc, là thị trường tiêu thụ lớn nhưng cũng đầy rủi ro nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đưa ra hàng loạt giải pháp "nóng" mang tính đồng bộ, nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt và xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng.
Về ngắn hạn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở đáng kể dòng chảy xuất khẩu. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, quy trình kiểm dịch thực vật cho sầu riêng sẽ được khẩn trương ban hành, làm cơ sở đánh giá lại khả năng xuất khẩu và điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tiễn.
Về dài hạn, Bộ trưởng đề nghị trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản, với quy định cụ thể hơn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, và kiểm nghiệm, giám định… Cùng với đó là việc xây dựng, chuẩn hóa hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu. Bộ cũng xác định tái cơ cấu ngành sầu riêng theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết.
Cần khuyến khích phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu, nhất là sầu riêng đông lạnh, để nâng cao giá trị gia tăng và giảm lệ thuộc vào thị trường tươi.
Để hiện thực hóa các giải pháp nêu trên, một số nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng đề nghị triển khai ngay đó là: Xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; Thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu;...
Trước bối cảnh thị trường nhiều biến động, việc giữ vững vị thế sầu riêng Việt Nam không thể chỉ dựa vào sự tăng trưởng nóng mà cần nền tảng pháp lý vững chắc, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ và một hệ thống quản lý chủ động, minh bạch.
Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn phải nỗ lực hơn nữa cùng đồng hành cùng doanh nghiệp, sát cánh với địa phương, phối hợp cùng các cơ quan liên quan để bảo vệ thị trường, nâng cao giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.