Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ với báo chí như vậy bên lề cuộc hội đàm trực tuyến giữa ông với Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc Simon Birmingham diễn ra mới đây.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, phải xác định rõ thời điểm hiện nay là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp (DN) chủ động hành động nhằm hướng đến việc cơ cấu lại các chiến lược, kế hoạch kinh doanh của mình, đặc biệt không được thụ động khi có các gói hỗ trợ và chính sách kiến tạo của Chính phủ.
Theo đó, DN phải nói rõ với cơ quan Nhà nước rằng ngoài mức độ hiệu quả đến đâu của các gói chính sách hỗ trợ thì DN cần làm như thế nào. DN cũng cần nói rõ kế hoạch như thế nào để Chính phủ biết và song hành. Nếu không đổi mới công nghệ trong thời điểm này, không nâng cao năng lực quản trị DN, không tập trung đào tạo trình độ của người lao đọng và nguồn nhân lực thì DN bỏ mất cơ hội tiếp tục phát triển bền vững cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng mới hiệu quả.
"Vì vậy, đây là những nội dung trọng tâm sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với VCCI và VINASME và các hiệp hội ngành hàng khác để xây dựng những kế hoạch hành động, kể cả trong công tác phát triển thị trường, XTTM, phòng vệ TM, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, tái cơ cấu lại trong cả công nghiệp và thương mại trong các DN", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ tìm hiểu và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp và có những nguồn lực cần thiết từ Chính phủ, từ khu vực Nhà nước để hỗ trợ cho DN. Đặc biệt, đối với một số ngành công nghiệp và kinh tế quan trọng, cần phải làm cho rõ những đặc thù, những yêu cầu mang tính đặc thù trên cơ sở bối cảnh đặc thù của khu vực và quốc tế; Phải xác định được tính ưu tiên và yêu cầu cho từng ngành hàng để có cơ chế chính sách phù hợp. Ví dụ, dệt may, da giày, điện tử khác với ô tô, khác với các ngành chế biến nông sản, thực phẩm...
"Chúng tôi đang dự kiến sắp tới phải làm việc rất kỹ với Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, hệ thống ngân hàng trong thời gian qua đã có sự hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng DN thông qua gói tín dụng với lãi suất đang được tạo điều kiện từ các TCTD, ngân hàng thương mại. Nhưng tôi cho rằng, cần cụ thể hóa hơn nữa yêu cầu trong một số lĩnh vực ngành hàng để có các gói tín dụng, chương trình hỗ trợ phù hợp", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Bộ trưởng lấy ví dụ, một số ngành XK phải căn cứ thực tế diễn biến thị trường, cơ hội và yêu cầu trong tiếp cận thị trường, khai thác thị trường để hỗ trợ cho các DN XK, đặc biệt là những DN XK chứng minh được hiệu quả hoạt động và có cơ hội phát triển.
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ trưởng cho rằng, những cơ quan này cần đặt mình trong tâm thế mới, để đồng hành cùng DN, nhưng phải hiểu rõ, hiểu đúng vai trò, trác nhiệm của mình.
"Cả cơ quan quản lý Nhà nước cần đặt mình trong tâm thế mới, cả cơ quan quản lý NN, cả cộng đồng DN bởi bối cảnh mới do Covid-19 gây ra đã và đang làm rung chuyển, thay đổi bộ mặt và cơ cấu kinh tế, thương mại toàn cầu, đời sống các mặt của nhân dân. Nếu như chúng ta vẫn nhìn quan điểm trong khuôn khổ cũ thì sẽ rất khó có sự bứt phá và vượt lên để hỗ trợ cho DN cũng như cho Việt Nam vươn lên", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Công Thương đã và đang liên tục cập nhật các điều hành của Chính phủ và để cụ thể hóa cho những yêu cầu nhiệm vụ, cho từng cơ quan, bộ máy, tổ chức thuộc Bộ Công Thương, đặc biệt hướng tới cộng đồng DN và người dân, tới đây, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể cho điều hành và hoạt động phục vụ cho những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, và đặc biệt là trong những nhóm nhiệm vụ lớn, phối hợp chủ động với các bộ, ngành liên quan cũng như các hiệp hội nhằm mục đích hướng đến cộng đồng DN và người dân.
Theo Nguyệt Minh
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-se-lam-viec-voi-vinasme-de-ho-tro-doanh-nghiep/20200512031513286"