Biến động lãi suất trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp như thế nào?

13/05/2021 15:38

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến cho nền kinh tế "lao đao", đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong việc xoay vòng vốn. Do đó, thị trường cho vay vốn đang có những chuyển biến liên tục cả thị trường huy động lẫn vay vốn.

Lãi suất tiết kiệm và vay vốn có chuyển biến nhẹ

Dù có sự biến động trong lãi suất huy động nhưng nhìn chung biểu lãi suất không có quá nhiều thay đổi so với tháng liền trước. Một số ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tháng 5/2021 theo hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn đi ngang, chưa biến động nhiều.

Khảo sát một vài biểu lãi suất ngân hàng trong tháng 5/2021 cho thấy xu hướng tăng, giảm của các ngân hàng không đồng đều. Có ngân hàng tăng nhẹ lãi suất như: ACB và SHB tăng lãi suất 0,05-0,3 điểm phần trăm; ngược lại, lãi suất giảm tại một vài kỳ hạn ở Kienlongbank (KSBank) và NamABank.

dong-1620869864.png
Biểu suất tiết kiệm của một số ngân hàng trong nước. (Ảnh: VnEconomy)

Trên thị trường, hiện chỉ có VietBank, GPBank là niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức tối đa 4%/năm. Thấp hơn một chút có NamABank, SCB (3,95%/năm), OCB, PVCombank (3,9%/năm),...

Trong khi các ngân hàng hàng lớn đều niêm yết ở mức rất thấp, đa số thấp hơn 3,5%/năm. Chẳng hạn, Vietcombank chỉ 3,2%/năm; ACB, Techcombank (3,3%/năm), MB, Sacombank (3,4%/năm),...

Về lãi suất vay vốn, lãi suất huy động VND trên thị trường đầu tháng 5.2021 đang phổ biến trong khoảng 3-7%/năm, mức lãi suất cho vay từ 6%/năm nói trên được đánh giá là khá hấp dẫn và cạnh tranh trên thị trường vay vốn hiện nay.

Trong đó ngân hàng BIDV đang triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi, từ nay đến hết ngày 30.9.2021, khách hàng khi vay vốn kỳ hạn đến 3 tháng được hưởng lãi suất từ 3,8%/năm đến tối đa 5,5%/năm; từ 4,0%/năm đến tối đa 6,0%/năm khi vay kỳ hạn trên 3 - 6 tháng và từ 4,5%/năm đến tối đa 6,5%/năm khi vay các kỳ hạn trên 6 tháng đến 9 tháng.

Doanh nghiệp liệu có tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp?

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn của Viện Khoa học quản trị, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cầu tín dụng đang cho thấy sự gia tăng nhanh trong thời gian ngắn. Với nguồn vốn huy động được, các ngân hàng cũng tìm cách đẩy các gói tín dụng với lãi suất thấp để thu hút khách vay trong thời gian đầu.

Tiêu biểu là ngân hàng Vietcombank đang đồng loạt triển khai các chương trình lãi suất ưu đãi cho vay đáp ứng cho nhiều nhóm khách hàng và các nhu cầu vay đa dạng khác nhau. Đặc biệt, đối với khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, ngân hàng này cũng dành gói tín dụng quy mô 30.000 tỉ đồng với mức lãi suất đặc biệt ưu đãi chỉ 5,7%/ năm đối với khoản vay dưới 6 tháng; 6,3%/năm đối với khoản vay từ 6 - 9 tháng và 6,9% với khoản vay từ 10 đến 12 tháng.

Dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn. Nhưng trên thực tế, mức lãi suất thấp chỉ được áp dụng trong một thời gian ngắn, sau đó sẽ được ngân hàng điều chỉnh lãi suất về mức cho vay thông thường.

Theo anh V.H.B chủ doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Nội chia sẻ: "Hiện lãi suất công ty đang vay trong đầu năm 2021 khoảng 6,9%/năm, nhưng đến cuối năm nay thì mức lãi ưu đãi này sẽ chấm dứt, ngân hàng sẽ tính theo lãi suất cho vay thông thường từ 8-10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng".

Mặt khác, không phải doanh nghiệp nào cũng được tiếp cận vốn vay một cách dễ dàng, đại diện một doanh nghiệp nhỏ tại Hà Nội cho hay:"Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay ngân hàng hơn trước đây. Nhiều ngân hàng đưa thêm những yêu cầu khắt khe mà doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được, nên không được vay vốn”.

Trong thời gian tới, ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất  để phù hợp với  việc điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ để tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.

P.T