Bế mạc phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

25/03/2020 21:53

Sáng 25/3, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã bế mạc sau hơn hai ngày làm việc.

Phiên họp 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25/3/2020 (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh:

Sau hai ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban TVQH đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 43. Ủy ban TVQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu các nội dung trình tại phiên họp; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội đã tích cực thảo luận, góp ý kiến về các dự án luật giúp Ủy ban TVQH xem xét hiệu quả hơn.

Đồng thời, cũng ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện bảo đảm trong phòng, chống dịch bệnh của Văn phòng Quốc hội, giúp phiên họp được tiến hành an toàn.

Kết thúc phiên họp này, đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai các kết luận của từng nội dung để thực hiện các bước tiếp theo, nhất là nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý 7 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp tới. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong đầu tháng 4 (dự kiến từ ngày 6 - 8/4/2020), Ủy ban TVQH sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhưng không họp tập trung mà tiến hành họp trực tuyến thông qua phần mềm được cài đặt trên máy tính bảng (iPad) đã trang bị cho đại biểu Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, những ngày gần đây, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tính đến đầu giờ sáng 25/3, cả nước đã có 134 ca nhiễm bệnh. Thời gian tới cần thực hiện tốt các quy định pháp luật, theo dõi và chấp hành đúng các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các khuyến cáo của ngành y tế; hạn chế ra đường, tuân thủ việc không tập trung đông người, phải đeo khẩu trang nơi công cộng.

Tiếp tục chỉ đạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong bộ máy nhà nước; các bộ, ngành, địa phương một mặt phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời, khẩn trương điều chỉnh phương pháp làm việc cho phù hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành, phục vụ cho dân qua dịch vụ công trực tuyến, hạn chế các cuộc họp, làm việc đông người. 

Bên cạnh công tác phòng chống dịch, cần thực hiện những giải pháp phù hợp để ổn định kinh tế - xã hội, nhất là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư, giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, hạn mặn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm đời sống cho nhân dân. 

Theo PV

"https://thuonghieucongluan.com.vn/be-mac-phien-hop-thu-43-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-a91296.html"