Diễn đàn "Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam" có sự tham gia của hơn 150 đại biểu dự trực tiếp và khoảng gần 200 đại biểu dự trực tuyến đến từ các đơn vị: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Vụ Pháp chế; Văn phòng SPS Việt Nam; Đại diện Sở NN-PTNT; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã… và đại diện của hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương…
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nói, sau khi Luật Trồng trọt ra đời, chúng ta đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đây là bước thay đổi rất quan trọng, tuy nhiên điều này cũng là vấn đề khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa kịp thích nghi. Trong việc chuyển đổi như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa lường trước được những thay đổi.
"Diễn đàn hôm nay là để chúng ta cùng bàn về những khó khăn, đề xuất hướng tháo gỡ, vướng mắc để việc thực hiện quản lý giống cây trồng tốt hơn. Tuy nhiên tôi đề nghị rằng, những ý kiến phải có dẫn chứng cụ thể và đưa ra những đề xuất, giải pháp rõ ràng, tránh hiện tượng chung chung, đại khái. Tinh thần là hài hòa giữa doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý Nhà nước, làm thế nào để giải quyết những bất cập nhằm đáp ứng tái cơ cấu ngành, tăng thu nhập cho người dân trực tiếp sản xuất trên những cánh đồng", Cục trưởng Cục Trồng trọt nói.
Theo ông Nguyễn Như Cường, khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, Cục đã phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật nhiều lần, tuy nhiên, hơi đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp lại không quan tâm. Khi luật đưa vào thực thi, những vướng mắc của các doanh nghiệp xuất hiện, dẫn tới nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Từ góc nhìn doanh nghiệp R&D, ông Nguyễn Văn Viết, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Nafoods, đề xuất Cục Trồng trọt có những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Trao đổi xuyên suốt với nhà quản lý sẽ giúp Nafoods cải thiện quản lý chất lượng giống cây ăn quả, đồng thời tăng cường tính minh bạch trên thị trường.
"Nafoods cam kết với phát triển toàn bộ chuỗi giá trị cây ăn quả, từ khâu chọn tạo, sản xuất, kinh doanh giống cây, cho đến trồng trọt, chế biến và xuất khẩu. Do đó, giống cây là công nghệ lõi, chất lượng của giống đóng vai trò quan trọng để sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường", ông Viết nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Minh (Trung tâm hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng - Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam) cho biết: Tình hình thực thi bản quyền giống cây trồng chồng chéo, gây khó cho người nghiên cứu.
Theo ông Minh, quy định đặc cách chỉ là một phương pháp lưu hành cho nên tại các Điều 21, 22 quy định về điều kiện cấp, cấp lại, hủy bỏ QĐ công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng (Điều 21); điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng (Điều 22); Cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ QĐ công nhận lưu hành giống cây trồng (Điều 15) chưa thực sự là những phương án tối ưu.
Ông Minh kiến nghị Bộ NN-PTNT cần ban hành một văn bản liệt kê các trường hợp cụ thể, tránh việc quyết định hết hạn lại được tiếp tục gia hạn cho các công ty được sử dụng các sản phẩm giống, quyền tác giả bị chuyển đổi… Cần có một giới hạn cho quyền bảo hộ để tất cả mọi người có quyền sử dụng.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt) làm rõ thêm các quy định, thủ tục về cây ăn quả. Ông nhấn mạnh một số điểm khác biệt so với quy trình khảo nghiệm giống cây lương thực.
Ông Mạnh thông tin: "Sản xuất cây ăn quả tại Việt Nam đã và đang là trụ cột quan trọng trong nền nông nghiệp, với sự gia tăng đáng kể về diện tích và sản lượng. Năm 2022, tổng diện tích trồng cây ăn quả đạt 1.221,4 nghìn ha, với sản lượng khoảng 14 triệu tấn. Dự kiến cuối năm 2023, xuất khẩu cây ăn quả ước đạt 5 tỷ USD".
Tuy có hệ thống cơ cấu chủng loại đa dạng, gồm khoảng 50 loại cây, ngành cây ăn quả đối mặt với nhiều thách thức lớn.
"Cơ cấu giống chủ lực chủ yếu là cây địa phương, nhưng chỉ có 32 giống được công nhận từ năm 2008-2019. Mặc dù đã có sự tăng cường với 120 giống từ 2020-2022, nhưng nhìn chung, số lượng giống được công nhận còn rất ít", ông Nguyễn Quốc Mạnh nói.
Ông Mạnh đề xuất, các nhân tố trong chuỗi ngành hàng cây ăn quả cần hợp tác chặt chẽ, nâng cao năng lực quản lý, và đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển giống cây ăn quả để đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, và tăng cường hiệu suất sản xuất trong lĩnh vực này.
Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN-PTNT khẳng định, sau 3 năm triển khai Luật Trồng trọt đã mở ra một cách nhìn mới, đưa ra các quy định mới trong quá trình công nhận giống cây trồng.
Theo bà Hiên, Luật đã điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và và chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh.
Bà Hiên đề xuất 4 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện, gồm: Công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; bổ sung hướng dẫn về phương pháp giải trình tự gen; điều kiện gia hạn giống cây trồng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam giống cây trồng chính. Theo bà Hiên, hiện nay có giống lúa, giống ngô chũng ta đã hoàn thiện được toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý, sử dụng, khai thác, sản xuất và kinh doanh. Thời gian tới đề nghị sớm ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các giống cây trồng nông nghiệp chính là cà phê, cam, bưởi, chuối.