Bắc Kạn: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm

26/08/2020 18:08

Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn hàng năm thực hiện chỉ đạo, kịp thời sát sao của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường hoạt động nhằn đảm bảo ATTP địa bàn tỉnh.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, sự phối hợp hoạt động chặt chẽ, đồng bộ của các ngành chức năng và chính quyền cấp cơ sở, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên Bắc Kạn. Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật ATTP và các quy định về bảo đảm ATTP thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý đến chính quyền các cấp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nâng cao nhận thức và áp dụng thực tiễn các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP đối với chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý. Giai đoạn từ năm 2016 - 2020 đã tổ chức lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương cho 1587 lượt người.

Đoàn liên ngành VSATTP huyện kiểm tra tại cơ sở sản xuất thực phẩm tại thị trấn Bằng Lũng

 

Đồng thời, phối hợp Cục Quản lý thị trường trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong ngành và liên ngành trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm ATTP. Công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả từ các mô hình thí điểm

Việc xây dựng mô hình chợ thí điểm ATTP đã góp phần bố trí, sắp xếp được các ngành hàng kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định ATTP, nâng cao chất lượng phục vụ, thuận lợi cho hoạt động mua bán; huy động được các nguồn lực của xã hội (nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh...) để đầu tư, cải tạo nâng cấp, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh thực phẩm trong các chợ đảm bảo thống nhất, khoa học, vệ sinh, bảo đảm ATTP, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển chợ theo xu hướng văn minh, hiện đại.

Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc buôn bán thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh; khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã hết hạn sử dụng để tránh xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm.Trong năm 2020, Sở Công Thương triển khai kiểm tra, hậu kiểm tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý trên địa bàn tỉnh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thuộc diện miễn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và các sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm do các cơ sở nêu trên trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất rượu thủ công và các sản phẩm chế biến bột (bún, miến, phở...) trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, test nhanh hàm lượng methanol trong rượu đối với 50 mẫu rượu; lấy mẫu kiểm nghiệm 35 mẫu thực phẩm thuộc nhóm thực phẩm do ngành Công Thương quản lý.

Tại chợ được xây dựng theo mô hình chợ ATTP, các hộ kinh doanh được trang bị các kiến thức về vệ sinh ATTP thông qua các lớp tập huấn, đào tạo cũng như nâng cao kiến thức bảo quản thực phẩm, đặc biệt là việc không sử dụng hàn the, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các mặt hàng tươi sống theo quy định của Bộ Y tế.

Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở và ký cam kết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có chuyển biến tích cực trong thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP như: Giấy khám sức khỏe định kỳ của người tham gia sản xuất kinh doanh thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức về ATTP; hóa đơn nhập hàng, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện ghi nhãn đầy đủ đúng quy định; nguồn nước đảm bảo vệ sinh...

Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số cơ sở do nhận thức chưa đầy đủ hoặc chưa chú trọng trong việc đảm bảo các quy định về ATTP nên vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh như: Kinh doanh hàng hoá quá hạn sử dụng, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng, sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về ATTP…

Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ về kinh phí, tập huấn về chuyên môn và các văn bản quy phạm pháp luật cho Sở Công Thương thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP thuộc trách nhiệm ngành quản lý tại địa phương trong những năm tiếp theo.

Theo Hoàng Thiệp

"https://thuonghieucongluan.com.vn/bac-kan-tang-cuong-kiem-tra-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-a111734.html"