Theo Vick, 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2024 gồm:
Kịch bản cơ sở: thị trường tích lũy tích cực và đi lên trong nửa đầu của năm 2024. Sẽ có thời điểm VN-Index chạm 1.300. Sau đó thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh. Cuối năm có sự phục hồi và đóng cửa vùng 1.250-1.280. Xác suất của kịch bản này là 60%.
Kịch bản tích cực: ngay trong thời gian quý 1/2024 VN-Index sẽ vượt qua mốc đỉnh của năm 2023 là 1.250. Đà tăng này sẽ kéo dài đến đầu quý 3/2024, đẩy chỉ số lên mức 1.380-1.400. Dù cuối năm có sự điều chỉnh nhất định, nhưng vẫn kết thúc ở vùng 1.320-1.350. Xác suất của kịch bản này là 20%.
Kịch bản tiêu cực: trong một vài thời điểm VN-Index vượt lên mốc 1.250, nhưng tốc độ phục hồi chậm chạp của nền kinh tế, cũng như có thể xuất hiện thêm một số vụ việc sai phạm lớn, làm cho chỉ số đóng cửa năm 2023 quanh mức 1.100-1.120. Xác suất của kịch bản này là 20%.
Ba kịch bản trên được Vick đưa ra dựa trên việc phân tích các yếu tố: chính sách vĩ mô, định giá và dòng tiền.
Xét yếu tố vĩ mô, thế giới đang ở cuối của chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Khả năng cao từ tháng 3/2024 Fed bắt đầu giảm lãi suất. Kinh tế Mỹ cũng thể hiện bộ mặt tươi sang khi xác suất rơi vào suy thoái là rất thấp. Chính sách vĩ mô trong nước tương đối thuận lợi cho môi trường đầu tư, hỗ trợ cho sự phục hồi SXKD. Bằng các chính sách tài khóa và tiền tệ, Chính phủ sẽ ưu tiên cho tăng trưởng để GDP năm 2024 sẽ trở lại vượt 6%. Trong tháng 1/2024 quốc hội sẽ họp để thông qua luật đất đai mới. Hy vọng đây là cú hích để gỡ băng cho thị trường BĐS.
Về yếu tố định giá, hiện thị trường ở vùng trung bình thấp trong vòng 5 năm qua. Chỉ số P/E trung bình chỉ dưới 14, đặc biệt P/B dưới 1,5, đang thể hiện thị trường đủ sức hấp dẫn cho đầu tư. Nếu dự báo rằng EPS của các DNNY sẽ tăng khoảng 18%-24% trong năm 2024 thì P/E sẽ còn giảm rất mạnh. Một trong những vấn đề mũi nhọn của nền kinh tế là cầu nội địa, hiện thị trường bán lẻ đang có dấu hiệu tạo đáy vào quý 3/2023. Khi thị trường bán lẻ khởi sắc, sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhiều dòng.
Về yếu tố dòng tiền thì chứng khoán vẫn là kênh có sức hút tốt. Trong những ngày cuối năm rộ lên việc giá vàng nhảy múa. Nhưng đầu tư vào vàng luôn rất mạo hiểm bởi tính đầu cơ cao, giá vàng bất cứ lúc nào cũng có thể rơi mạnh, sự chênh lệch giá mua và giá bán. Kênh nhà đất cũng chưa thể tan băng, mua vẫn tiềm ẩn sự chôn vốn lâu.
Về danh mục khuyến nghị năm 2024, các chuyên gia chỉ ra những nhóm ngành đáng để đầu tư, gồm: năng lượng, dầu khí, tiêu dùng và ngân hàng, công nghệ thông tin, bất động sản khu công nghiệp, nhóm xuất khẩu, nhóm thép, nhóm hóa chất…
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành có tính chất “phòng thủ”, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế. Các cổ phiếu có đặc điểm như vậy thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và hoạt động ở những ngành như công nghệ thông tin, viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước…
Một trong những điều nhà đầu tư kỳ vọng cho năm 2024 là việc Việt Nam lọt vào rổ xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin mới) sẽ triển khai trong năm 2024 cũng giúp thỏa các yêu cầu về định lượng. Các nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở để tin rằng năm 2024 là năm bản lề cho việc đáp ứng các tiêu chí để Việt nam chính thức nâng hạng vào cuối 2025.