Số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 9 tháng năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia 1,03 triệu tấn gạo, thu về 625 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này tăng 16,9%, trong khi giá trị tăng mạnh 35%. Với số liệu này, Indonesia tiếp tục giữ vững vị trí khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt Nam.
“Xứ sở vạn đảo” này hiện đứng thứ 3 thế giới về lượng tiêu thụ gạo nên mỗi năm vẫn phải nhập khẩu lượng rất lớn về phục vụ tiêu dùng nội địa dù sản xuất gạo của Indonesia lớn thứ 4 thế giới và đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan.
Năm nay, Indonesia dự kiến nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo và Việt Nam sẽ là nhà cung cấp gạo lớn thứ nhất cho quốc gia này.
Ngược lại, năm nay Việt Nam cũng là nước nhập khẩu gạo với lượng nhập nhiều nhất trong lịch sử, đang trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới.
Điều này xuất phát từ câu chuyện những năm gần đây nông dân Việt Nam đã chuyển sang trồng các loại lúa thơm, lúa chất lượng cao để dùng trong nước và xuất khẩu. Nhập khẩu gạo phân cấp thấp hơn để sản xuất, làm thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm…
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2024, Việt Nam phải tăng nhập khẩu gạo từ 2,6 triệu tấn lên 2,9 triệu tấn.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gạo gần 1 tỉ USD.
Bộ này cũng dự báo Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng sản lượng và giá trị gạo xuất khẩu do nhu cầu gạo trên toàn cầu tăng cao, đồng nghĩa với Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu gạo trong tương lai.