Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Ngành dịch vụ logistics cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp UBND thành phố Hà Nội và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế".

Ðồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và phát biểu chào mừng; Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ gợi mở một số nội dung nhằm góp phần cắt giảm chi phí và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời gian tới.

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý hành chính công, nỗ lực hơn nữa trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục thương mại qua biên giới. Thứ hai, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí.

Thứ ba, cần tập trung đánh giá khả năng tiếp cận chi phí vốn của các DN logistics cũng như các DN tác động trong lĩnh vực này để tìm ra hướng giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách đạt hiệu quả thiết thực hơn.

Thứ tư, trên cơ sở những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành dịch vụ logistics cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); thành lập các trung tâm nghiên cứu liên kết chặt chẽ với các chuyên gia trong nước, các chương trình nghiên cứu khoa học, các trường đại học lớn.

Thứ năm, xây dựng mạng lưới liên kết các DN logistics, tập trung phát triển hệ thống logistics 3PL, 4PL gắn với thương mại điện tử; thiết lập hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, các hãng vận tải và ngân hàng để cung cấp thông tin phục vụ quản lý hải quan và thông quan hàng hóa; thúc đẩy hợp tác với các tập đoàn công nghệ cao để hỗ trợ kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Thứ sáu, phát triển các giải pháp mới nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm, sử dụng tối đa năng lượng tái tạo, tăng cường các phương tiện sử dụng năng lượng sạch thân thiện môi trường.

Cuối cùng, đề nghị Chính phủ sớm cho thử nghiệm hình thức kinh doanh đại lý làm thủ tục hải quan, nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động này cũng như tiết giảm chi phí cho hoạt động logistics...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics; bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi, giảm mạnh thủ tục hành chính và các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, DN.

Khẩn trương, rà soát các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics.

Bộ Giao thông vận tải cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông lớn như tuyến cao tốc bắc - nam, các tuyến cao tốc liên vùng; xây dựng và nâng cấp hệ thống cảng hàng không, cảng cửa ngõ quốc tế và cảng thủy nội địa. Mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới hoặc quá cảnh.

Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức. Bộ Công thương cần sớm xây dựng các gói giải pháp hỗ trợ DN trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của DN trong thực thi các Hiệp định Thương mại tự do; có cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo thuận lợi cho DN dịch vụ logistics, DN vận tải biển chủ động liên doanh, liên kết với DN vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ để cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức cũng như dịch vụ logistics trọn gói.

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc để DN logistics, đặc biệt là DN nhỏ và vừa thuận lợi hơn trong tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước; sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics; chỉ rõ "điểm nút" trong chi phí logistics để tập trung phát huy nội lực, tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo ra đột phá cho phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam.

Các hiệp hội, DN trong ngành dịch vụ logistics chủ động đổi mới mô hình, hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, nắm bắt thông tin thị trường để có giải pháp phát huy nguồn lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh. DN Việt Nam nên chủ động tìm kiếm, liên kết với các DN quốc tế có uy tín để cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Theo Hoan Nguyễn

"https://thuonghieucongluan.com.vn/cat-giam-chi-phi-logistics-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-a120230.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/cat-giam-chi-phi-logistics-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-a9994.html