Quốc hội yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa

Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII với tỷ lệ 95,44% (460/464 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, 2 đại biểu không tán thành, 2 đại biểu không biểu quyết).

Theo nội dung Nghị quyết được thông qua, Quốc hội yêu cầu tiếp tục tập trung đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa giáo dục - đào tạo. Tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Quản lý tốt hoạt động dạy thêm, học thêm.

Tiếp tục triển khai kỳ thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021 - 2025 ổn định, đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng.

Quốc hội yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định SGK
Quốc hội yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định SGK

 

Sớm ban hành quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, về hình thành mạng lưới các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, về hoạt động khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Năm 2021, ban hành khung giá dịch vụ giáo dục - đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số.

Triển khai đồng bộ các chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2025, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt tỷ lệ 40%.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động; hạn chế tình trạng đào tạo không gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Từng bước nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng lao động, việc làm kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm và đăng ký doanh nghiệp. Tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể thực chất tại nơi làm việc; phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế hòa giải lao động, trọng tài lao động trong giải quyết tranh chấp lao động. Sớm ban hành chính sách tiền lương hợp lý đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995.

Theo Trúc Mai

"https://thuonghieucongluan.com.vn/quoc-hoi-yeu-cau-tang-cuong-kiem-soat-chat-luong-hieu-qua-bien-soan-tham-dinh-sgk-a119520.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/quoc-hoi-yeu-cau-tang-cuong-kiem-soat-chat-luong-hieu-qua-bien-soan-tham-dinh-sach-giao-khoa-a9849.html