TP. HCM: Đào tạo trực tuyến cần có cơ sở pháp lý rõ ràng

Việc vận dụng triệt để ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo không chỉ giúp nâng cao hiệu quả mà còn tạo thuận lợi cho cơ sở đào tạo, người học tiếp cận học đại học (ĐH). Tuy nhiên, hiện nay với cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, nhiều chương trình đào tạo trực tuyến (e-learning) được xem là đào tạo từ xa, khiến người học không khỏi băn khoăn.

Phòng học số của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM được đầu tư để đào tạo trực tuyến
Phòng học số của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM được đầu tư để đào tạo trực tuyến

 

Đào tạo trực tuyến giáo dục đại học cấp bằng từ xa 

Diễn ra tại buổi Hội nghị “Đào tạo trực tuyến giáo dục ĐH trong dịch Covid-19” diễn ra ở 300 điểm cầu trên toàn quốc mới đây, Bộ GD-ĐT cho biết, không tính 33 trường ĐH thuộc khối khối an ninh - quốc phòng mới chỉ có 50% số trường triển khai đào tạo trực tuyến ở các mức độ từ đơn giản đến hoàn chỉnh. Nhiều trường hoàn toàn chưa triển khai. Tỷ lệ trường công lập chưa tiếp cận với đào tạo trực tuyến tương đối cao 57%, trong khi tỷ lệ này ở khối trường ngoài công lập là 26%. Ngay cả trong nhóm trường gọi là có đào tạo trực tuyến thì mới có một ít trường có hệ thống quản lý học tập (LMS), hệ thống quản trị nội dung học tập (LCMS) đầy đủ…

Tuy nhiên, nhiều trường hệ thống chưa hoàn thiện, mới chỉ dừng lại ở quản lý lớp, sinh viên, giảng viên; chủ yếu sử dụng phần mềm hỗ trợ đào tạo trực tuyến…các trường đang chuyển dần từ bị động sang chủ động để ứng phó trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hai trường được xem là tiên phong trong việc triển khai chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến hoàn toàn nhưng lại cấp bằng theo hình thức đào tạo từ xa, đó là Trường ĐH Mở Hà Nội triển khai đào tạo trực tuyến từ năm 2009, đến nay có 7 ngành; Trường ĐH Mở TPHCM triển khai từ năm 2016 và đến nay đang đào tạo 9 ngành. Số lượng sinh viên theo học chương trình trực tuyến lên đến hàng ngàn người. 

Theo PGS-TS Vũ Hữu Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, đào tạo e-learning đã có từ lâu ở các nước phát triển, nhưng tại Việt Nam chỉ mới triển khai ở một số trường ĐH, chủ yếu từ năm 2013 đến nay. Các tổ chức quốc tế xếp Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tốc độ phát triển e-learning. Hiện có 16 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam cung cấp khóa học trực tuyến theo các hình thức: trực tuyến hoàn toàn, hình thức blended (kết hợp giữa học truyền thống và trực tuyến) hoặc một phần các môn học. 

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, ĐH Quốc gia TPHCM hiện có 3 trường (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin) phát triển đào tạo từ xa và dạy kết hợp. Ngay trong Quy chế đào tạo của ĐH Quốc gia TPHCM cũng quy định rất rõ là một chương trình đào tạo được áp dụng tối đa 20% tín chỉ học online. 

Gặp nhiều bất cập và khó khăn

Qua đánh giá của Bộ GD-ĐT, khó khăn chung là các trường còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, chưa có quy trình và kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến, học liệu điện tử còn nghèo nàn, chưa được chuẩn hóa, chưa kiểm soát tốt về chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá. Về phía người học, sinh viên còn hạn chế về thiết bị, hạ tầng internet, thiếu kỹ năng để học trực tuyến (kỹ năng sử dụng công nghệ; phương pháp học...). Đào tạo trực tuyến còn đối mặt với nguy cơ không đảm bảo an toàn, an ninh thông tin… Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư về công nghệ đào tạo trực tuyến cho giáo dục ĐH, các ngành đào tạo thực hành, chuyên sâu đặc thù khó triển khai thực hiện...

Đặc biệt, lợi thế của đào tạo trực tuyến là đơn giản, dễ tiếp cận người học, linh hoạt, chủ động định hướng học tập và học mọi lúc mọi nơi. Cạnh đó, đào tạo trực tuyến cũng có nhược điểm là thực hành thí nghiệm không được như đào tạo truyền thống, rèn luyện kỹ năng bị hạn chế, hạ tầng công nghệ, giáo trình chưa đáp ứng được yêu cầu, tài liệu học tập bị sao chép khiến giảng viên ngại đưa tài liệu lên mạng. Hiện cho đến nay vẫn chưa có quy chế đào tạo trực tuyến để làm cơ sở pháp lý. 

Hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ mới ban hành Thông tư 21/2017 về quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng với các nội dung như điều kiện, nội dung đào tạo qua mạng, tổ chức thực hiện; trách nhiệm trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng… chứ chưa nói đến bằng cấp của loại hình đào tạo trực tuyến. 

PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng, các trường ĐH phải nhìn thấy tiềm năng của loại hình đào tạo e-learning, chủ động và tích cực để phát triển loại hình đào tạo này, người đứng đầu đơn vị đóng vai trò rất quan trọng. Nếu hiệu trưởng quyết liệt, xem trọng vai trò của hình thức đào tạo trực tuyến song song với hình thức đào tạo truyền thống sẽ góp phần mở rộng cơ hội học tập, nâng cao kiến thức cho người học.

Theo Thùy Linh

"https://thuonghieucongluan.com.vn/tp-hcm-dao-tao-truc-tuyen-can-co-co-so-phap-ly-ro-rang-a119484.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/tp-hcm-dao-tao-truc-tuyen-can-co-co-so-phap-ly-ro-rang-a9822.html