Chia sẻ với báo giới sau khi kết thúc kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ phấn khởi khi mong mỏi ngay từ đầu nhiệm kỳ của Quốc hội, của cử tri về việc có chính sách có thể làm thay đổi những vấn đề môi trường của đất nước, đã được triển khai và ông cũng đã thực hiện được cam kết với tư cách là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Luật lần này đã thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường trong phát triển kinh tế, góp phần đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, chú trọng vào kinh tế tri thức, kinh tế số, giảm bớt hoạt động phục vụ con người phát triển dựa vào thiên nhiên.
Xin Bộ trưởng cho biết những ưu điểm của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2020?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2020 với 16 chương, 141 điều khá toàn diện so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Luật sửa đổi lần này hướng đến mong muốn tạo nền tảng cần thiết cho môi trường toàn diện và thống nhất. Đó là việc chuyển khỏi giai đoạn khó khăn trong giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, tiến tới chủ động phòng ngừa và quản lý môi trường.
Song song với nhiệm vụ cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường, chúng ta cần phòng ngừa, không để các dự án ô nhiễm làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường. Điều này đã đảo ngược xu thế môi trường hiện nay khi các yếu tố môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng như: Nước, không khí, chất thải rắn; tình trạng đa dạng sinh học bị phá vỡ, tài nguyên rừng bị xâm phạm, mất cân bằng hệ sinh thái. Kèm theo đó là các hoạt động phát triển kinh tế của từng quốc gia và toàn cầu dẫn đến biến đổi khí hậu cực đoan, gây đe dọa đến sức khỏe, tính mạng và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2020 tiếp cận cách thức quản lý khoa học về môi trường dựa trên kinh nghiệm thế giới ở các khâu: Xây dựng các chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ, đánh giá tác động cấp giấy phép, quản lý quá trình hoạt động sản xuất sau này thông qua đánh giá môi trường chiến lược, cấp giấy phép môi trường…
Đồng thời, thông qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật như quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết kế trên nền kinh tế số có thể huy động tất cả mọi người dân tham gia, giám sát, cung cấp thông tin, tư vấn, phản biện.
Với luật này, người dân sẽ có trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ tham gia như một chủ thể trong quá trình triển khai luật bằng việc thể hiện rõ trách nhiệm của chủ thể là cộng đồng người dân.
Theo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2020, dựa trên cơ sở khoa học, Luật cắt giảm rất nhiều thủ tục, tập trung quản lý ở những lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; tạo điều kiện thông thoáng cho các lĩnh vực, ngành ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên...
Lần đầu tiên, Luật thể hiện rõ mô hình kinh tế tuần hoàn. Ví dụ trong thiết kế, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phải tính toán đến lĩnh vực đầu tư này có thải loại, phế liệu là nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực khác, để cuối cùng hướng đến không có chất thải. Các loại nguyên vật liệu sẽ được tái sử dụng. Cùng với đó, chúng ta tập trung xử lý vấn đề chất thải rắn, ô nhiễm nhựa đại dương, chất thải do nhựa.
Bên cạnh đó, có biện pháp phòng ngừa đối với nhiều loại vật liệu, sản phẩm, bao bì khó thay thế. Chúng ta gắn trách nhiệm của nhà sản xuất với trách nhiệm của người nhập khẩu để khi sản phẩm đó hết hạn sử dụng, những đơn vị này có trách nhiệm thu hồi lại, xử lý.
Một ưu điểm nữa, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2020 đưa ra một hệ thống công cụ quản lý nhà nước. Bên cạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra, quan trắc môi trường... theo quy định sẽ có thêm đơn vị kiểm toán môi trường do bản thân doanh nghiệp thực hiện.
Đồng thời, theo luật lần này, dựa trên những tiêu chí khoa học, chúng ta có thể phân định, xem xét, đánh giá, xác định được dự án ô nhiễm hay thân thiện với môi trường. Hiện trong luật, chúng ta không chỉ quan tâm đến chất thải, mà quan tâm đến cả các dự án sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, các dự án có vị trí tác động đến hệ sinh thái tự nhiên, các vùng đông dân cư có thiệt hại đến môi trường. Điều này cho thấy, chúng ta đã nhìn nhận vấn đề môi trường rộng hơn.
Đó là vấn đề ô nhiễm do chất thải; những tác động do sử dụng quá lớn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên rừng, các dự án tác động vào khu vực nhạy cảm, như những khu vực nước được quy hoạch sử dụng cho sản xuất, sinh hoạt, hoặc khu vực dân cư...
Chúng ta xem xét toàn diện hơn vấn đề môi trường. Tôi cho rằng, nếu thực hiện luật này tốt, các dự án kinh tế muốn thực hiện phải dựa trên sự cân bằng về môi trường và nó đảm bảo tính bền vững, đảm bảo việc sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, tái chế, tái sử dụng, theo nền kinh tế tuần hoàn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai những bước tiếp theo như thế nào để luật đi vào cuộc sống, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Luật gồm 141 điều, tập trung vào 12 nhóm chính sách. Đây là lần đầu tiên chúng ta thống nhất thành một đạo luật trên tinh thần phân công, phân cấp về trách nhiệm quản lý. Trung ương đã thống nhất là Chính phủ và một bộ sẽ chịu trách nhiệm. Đây là lần đầu tiên có sự phân cấp rõ ràng từ Trung ương đến địa phương.
Việc triển khai Luật sẽ rất khó khăn bởi đây là một luật lớn, đồ sộ và phức tạp. Vì vậy, thời điểm áp dụng luật là ngày 1/1/2022 để các cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh tiếp tục cụ thể hóa các quy định liên quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lựa chọn quy định khoảng 4-5 văn bản mức nghị định, nhưng nội dung sẽ chi tiết, có những quy định mang tính nguyên tắc, chi tiết, để mỗi người dân và doanh nghiệp có thể hiểu, áp dụng dễ dàng.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức, đơn vị, chuyên gia để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến doanh nghiệp và người dân. Trong những việc phân cấp nhiều hơn cho địa phương, phân cấp đến cấp xã, cấp phường, cần phải đánh giá tổ chức bộ máy và có những kiến nghị để tổ chức bộ máy, nhân sự đáp ứng được yêu cầu.
Cùng với đó là rất nhiều mục tiêu đã đặt ra như cần phải sớm khoanh lại tình hình ô nhiễm hiện nay và có kế hoạch cải thiện chất lượng môi trường, đặc biệt là về ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, rà soát lại đất rừng tự nhiên. Tất cả vấn đề đó cần được huy động các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cơ quan nghiên cứu, tư vấn để xây dựng thành những dự án để thực hiện luật.
Việc công khai đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện ra sao sau khi Luật được thông qua, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Luật đã quy định rất rõ thông tin cần công khai, người có trách nhiệm phải công khai, thời gian công khai. Về đánh giá tác động môi trường, luật lần này đã gắn trách nhiệm của các chủ thể là doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước đưa ra các quy chuẩn và chuẩn mực yêu cầu của công tác quản lý đặt ra đối với dự án.
Nên khi bắt đầu có dự án đầu tư, từ khâu chủ trương, chuẩn bị tiền khả thi, cho đến khi bắt đầu có thiết kế kỹ thuật, doanh nghiệp đồng thời phải làm các đánh giá tác động môi trường. Khi đã làm xong theo đúng hướng dẫn, họ trình lên cơ quan có thẩm quyền địa phương hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường, văn bản đó phải được công khai trên cổng thông tin của doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận văn bản sẽ tiến hành việc công khai để tham khảo, tham vấn ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của bộ.
Nội dung thông tin công khai sẽ gồm thành viên của Hội đồng, kết quả thẩm định của Hội đồng và nếu cần thiết sẽ công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, những vấn đề mà Bộ thấy cần thiết để tham vấn các chuyên gia, cơ quan nghiên cứu.
Phóng viên: Các chính sách về môi trường sẽ được cụ thể hóa trong các nghị định như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chúng ta sẽ phân ra các nhóm tiêu chí dựa trên 3 trụ cột đánh giá quan trọng, một là chất thải (quy mô và tính chất của dự án sẽ quyết định chất thải), hai là sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ba là tác động đến môi trường tự nhiên, trong đó đặc biệt là khu dân cư, con người, môi trường nước, đa dạng sinh học, dự trữ sinh quyển, di sản thiên nhiên...
Có những dự án sẽ có đánh giá tác động môi trường sơ bộ, có dự án không cần đánh giá sơ bộ, có dự án chỉ cần đánh giá tác động và cấp phép, có dự án không cần đánh giá tác động và không cần cấp phép. Dựa trên 3 nhóm tiêu chí lớn đó để chúng ta quyết định. Dự án đã đánh giá tác động thì quá trình, thủ tục cấp phép sẽ đơn giản hơn dự án chỉ có cấp phép mà không phải đánh giá tác động. Điều đó Chính phủ sẽ quy định và trong luật cũng đã quy định.
Trước đây có rất nhiều loại phép, như giấy phép xả thải vào nguồn nước có Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy lợi cùng quy định. Từ nay, một cơ quan chịu trách nhiệm từ khâu đánh giá tác động môi trường, đến cấp phép, trong đó có cả vấn đề phế liệu, chất thải nguy hại, những vấn đề cấp phép khác như cấp phép về xử lý chất thải rắn, rác thải, khí thải.
Trong một giấy phép sẽ thể hiện tất cả các nội dung, thống nhất về mặt thủ tục. Cơ quan nào thẩm định đánh giá tác động môi trường thì cơ quan đó cấp phép và trong giấy phép đó sẽ giải quyết các khâu mà bấy lâu nay các luật quy định là có sự tham gia của các cơ quan có liên quan.
Các thủ tục sẽ giảm vì chỉ cần một bộ hồ sơ, một Hội đồng, thời gian sẽ giảm khoảng 50% và giảm chi phí tuân thủ. Doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi. Cơ quan nào cấp phép sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không phải như lâu nay, ví dụ một dòng sông bị ô nhiễm thì không biết có bao nhiêu cơ quan chịu trách nhiệm.
Quan điểm của cơ quan quản lý môi trường chúng tôi, nếu đã gây ô nhiễm thì tuyệt đối không được cho xả thêm nữa. Trong luật lần này, đối với khu vực sông Nhuệ, sông Đáy đã ô nhiễm thì sẽ có chuyện di dời, đóng cửa và cho lộ trình cải thiện chứ tuyệt đối không để xả thải thêm. Quan điểm là không để tình trạng xấu hơn nữa.
Tại cuộc họp ngày 5/11 với các chuyên gia, Bộ trưởng đã tiếp thu và cho biết sẽ bổ sung nội dung cơ quan thẩm định sẽ công khai báo cáo ĐTM khi tiếp nhận để thẩm định và khi được phê duyệt. Nhưng luật vừa thông qua thì lại chỉ quy định cơ quan thẩm định công bố quyết định phê duyệt ĐTM. Tại sao lại như vậy, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Doanh nghiệp đưa ra báo cáo thì phải chịu trách nhiệm và công khai báo cáo đó. Bộ sẽ công khai những vấn đề quan trọng nhất là kết quả thẩm định báo cáo đó, tức là cơ quan Nhà nước phải công khai Hội đồng thẩm định và kết quả thẩm định, đó là việc của Nhà nước. Nhà nước không đi làm thay doanh nghiệp, ai làm người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Vậy, nếu giao hết cho doanh nghiệp thì Bộ trưởng có giải pháp gì tham mưu, để tránh việc nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận, che giấu những thông tin quan trọng khi xin ý kiến của chuyên gia, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Luật quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ báo cáo theo hướng dẫn để nhận diện các tác động, xem xét các giải pháp. Doanh nghiệp muốn có lợi thì phải tung cái đó ra mà xin tư vấn. Còn việc doanh nghiệp muốn che giấu cũng không được, vì cơ quan nhà nước sẽ công bố toàn bộ kết quả thẩm định, có cả Hội đồng.
Thậm chí, khi đã thẩm định, phê duyệt báo cáo xong, sẽ chuyển ý kiến tiếp tục công bố cho xã hội biết tác động thế này, giải pháp thế này, chúng tôi đồng ý thế này. Doanh nghiệp còn phải mất nhiều công sức mới hoàn thành được việc nhà nước yêu cầu; sẽ công khai cho toàn xã hội.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
PV
"https://thuonghieucongluan.com.vn/nang-chat-luong-moi-truong-trong-phat-trien-kinh-te-a119485.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/nang-chat-luong-moi-truong-trong-phat-trien-kinh-te-a9821.html