ĐBQH không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được thảo luận tại hội trường sáng 16/11, tất cả các ý kiến các ĐBQH đều đồng tình cho rằng: Không nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật là Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) không đồng tình tách Luật GTĐB và chuyển quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Theo đại biểu Thắng, giao thông đường bộ là thể thống nhất được liên kết chặt chẽ từ 4 thành tố là kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông và quy tắc tham gia giao thông.

Cả 4 thành tố này đã được điều chỉnh trong Luật GTĐB hiện nay và hơn 10 năm qua, lĩnh vực GTĐB do Bộ GTVT quản lý tổng thể vẫn xuyên suốt, ổn định cả về lĩnh vực đầu tư giao thông đường bộ và công tác đảm bảo ATGT.

“Đảm bảo ATGT là mục tiêu quan trọng của hạ tầng giao thông đường bộ, mức độ ATGT phụ thuộc vào 4 thành tố nêu trên chứ không riêng gì thành tố nào. Nếu trong trường hợp cả hai Bộ tham gia cả 4 thành tố trên sẽ không có ai chịu trách nhiệm chính”, đại biểu Thắng nói.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng quan điểm với các ĐB khác. Thậm chí ông còn đặt câu hỏi khi đề cập đến việc giao quản lý, sát hạch giấy phép lái xe cho Bộ Công an rằng: “Sao phải hành dân như vậy? Cấp giấy phép lái xe thì Bộ Công an còn cấp chứng chỉ hành nghề vận tải lại giao cho Bộ GTVT?”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng một số chính sách không được đánh giá tác động khi có sự thay đổi. Như đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra được sự bất cập để phải chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Trong khi đó, vấn đề này liên quan rất lớn đến hơn 2.000 công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ của ngành giao thông.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh thẳng thắn nêu quan điểm “chuyển thẩm quyền cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an là chưa thuyết phục”.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

 

Theo ông, trong thời gian qua có ý kiến cho rằng chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn tồn tại và là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông nên cần phải chuyển sang cơ quan công an, nhưng con số thống kê cho thấy, số người chết do tai nạn giao thông tính trên 100.000 GPLX được cấp lại liên tục giảm.

Mặt khác, thống kê phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông.

Về mặt kinh tế, ngành GTVT đã và đang đầu tư công nghệ hiện đại cho việc cấp, đổi, quản lý GPLX và đang có khoảng 2.200 cán bộ đang làm việc trong lĩnh vực này.

“Chuyển sang Bộ Công an thì sắp xếp cho những lao động này thế nào, trong khi Bộ Công an phải bổ sung lực lượng để tiếp nhận công việc mới? Toàn bộ cơ sở vật chất có giá trị hàng nghìn tỷ đồng của ngành GTVT có nguy cơ bị thừa, trong khi ngành công an phải đầu tư thiết bị chung gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước…”, ông Sinh nêu quan điểm.

Từ phân tích đó, ông đề nghị Quốc hội xem xét không chuyển thẩm quyền cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, không tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật.

Kết luận lại nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá việc tách luật là vấn đề lớn và còn ý kiến khác nhau. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội sau khi thảo luận Luật Bảo đảm trật tự ATGT chiều nay.

Theo Thiên Trường

"https://thuonghieucongluan.com.vn/dbqh-khong-dong-y-tach-luat-giao-thong-duong-bo-thanh-hai-luat-a119306.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/dbqh-khong-dong-y-tach-luat-giao-thong-duong-bo-thanh-hai-luat-a9782.html