Bước tiếp chặng đường vô cùng gian khổ nhưng nhiều thành tích đáng tự hào, ngành Y tế Thanh Hóa đã có những phát triển vượt bậc về nhiều mặt: Không ngừng hoàn thiện tổ chức bộ máy; nguồn nhân lực được bổ sung về số lượng, nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp; cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước hiện đại; ứng dụng thành công nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật y học tiên tiến trong khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trở thành đơn vị tiêu biểu, mũi nhọn của khu vực Bắc Trung Bộ; tính trong cả nước chỉ sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng.
Trong công tác phòng chống dịch bệnh, đã đánh dấu sự nỗ lực của toàn ngành y tế, nhất là các đơn vị làm công tác y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh, đã duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường giám sát nhằm phát hiện các trường hợp dịch bệnh, ngăn chặn không để các dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh; tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sởi, tay chân miệng, dại... đều giảm so với những năm trước, đặc biệt giảm mạnh số mắc do bệnh sốt xuất huyết qua các năm; khống chế hiệu quả sốt phát ban nghi sởi, trong nhiệm kỳ vừa qua không có dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Điển hình đầu năm 2020, ngay khi có ca bệnh covid 19 đầu tiên, các đơn vị y tế đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Y tế triển khai quyết liệt các biện pháp bao vây khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, ngành Y tế đã có các biện pháp quyết liệt, không chủ quan, lơ là, xây dựng kế hoạch ứng phó với từng cấp độ của dịch bệnh, với các biện pháp ứng phó chủ động, linh hoạt, đến nay dịch bệnh covid 19 cơ bản đã được khống chế ổn định.
Với việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại, chăm sóc điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS, hoạt động giám sát HIV/AIDS đều được chú trọng, tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu 90-90-90, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong giai đoạn này phải kể đến sự thay đổi về mặt tổ chức trong hệ thống y tế tuyến tỉnh, đánh dấu bằng việc ra đời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa, trên cơ sở sáp nhập 5 y tế tuyến tỉnh. Ngay sau khi đi vào hoạt động, ngành Y tế lại bước vào giai đoạn chống dịch quan trọng - phòng chống dịch bệnh covid-19. Ngay khi có ca bệnh đầu tiên, các đơn vị y tế đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời từ UBND tỉnh, ngành Y tế triển khai quyết liệt các biện pháp bao vây khống chế chặn đứng dịch bệnh. Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa đã và đang thực hiện rất thành công kỹ thuật xét nghiệm SARS-CoV-2.
Năm năm qua là giai đoạn đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực khám chữa bệnh của ngành Y tế Thanh Hóa nói chung và của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nói riêng, lần đầu tiên Y tế Thanh Hóa được ghi tên mình trên bản đồ ghép tạng Việt Nam khi đơn vị thực hiện thành công 9 ca ghép thận, trở thành bệnh viện tuyến tỉnh thứ 2 trên cả nước thực hiện được kỹ thuật khó và phức tạp này. Cùng với ghép thận, 5 năm qua cũng chính là giai đoạn khẳng định sự nở rộ của nhiều kỹ thuật mới ở đa dạng các chuyên ngành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với các kỹ thuật như: phẫu thuật tim hở, can thiệp mạch não, điện sinh lý tim trong điều trị rối loạn nhịp tim, áp dụng phương pháp giảm đau theo mô hình Nhật Bản. Nhờ vậy, hàng nghìn bệnh nhân được cứu sống kịp thời, giảm thiểu chi phí trong điều trị.
Trong lĩnh vực sản khoa tiếp tục làm chủ nhiều kỹ thuật mới, nhất là trong vấn đề điều trị vô sinh hiếm muộn. Trong hơn 10 năm qua, đã có trên 500 em bé đã chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (TTTON) mà Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa thực hiện thành công. Đây cũng là những điều thôi thúc cho bệnh viện ngày càng hoàn thiện kỹ thuật và qui trình TTTON, để nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn vô sinh kiếm tìm được hạnh phúc.
Ở lĩnh vực nhi khoa, nhờ quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ y bác sĩ, chuẩn bị tốt các điều kiện về trang thiết bị…nên trong giai đoạn 2015-2020, Bệnh viện Nhi đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, như phát triển mạnh can thiệp trong tim mạch và các bệnh khác có thể khai thác trên hệ thống chụp mạch hiện đại, kỹ thuật sinh học phân tử, phẫu thuật lõm xương ức, thay máu vàng da bằng phương pháp tự động, đo thính lực. Đây là các kỹ thuật khó mới chỉ có một số ít bệnh viện trong toàn quốc thực hiện được. Qua đánh giá của chuyên gia, các kỹ thuật Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã triển khai ở mức khá cao khoảng 85% so với tuyến trung ương.
Việc triển khai các kỹ thuật tại các Bệnh viện chuyên khoa cũng được triển khai đồng bộ như: Bệnh viện phổi (Sốc điện ngoài lồng ngực cấp cứu), Bệnh viện Y dược cổ truyền (tán sỏi ngoài cơ thể), Bệnh viện Mắt (ghép giác mạc)... Song song với phát triển các kỹ thuật chuyên sâu tại các Bệnh viện tuyến tỉnh, các cơ sở KCB tuyến huyện tiếp tục được chuyển giao các kỹ thuật từ tuyến tỉnh để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên đồng thời thực hiện tốt Đề án 1816 của Bộ Y tế.
Cùng với việc phát triển các kỹ thuật mới, trong giai đoạn vừa qua, ngành y tế cơ bản đã giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện, tham mưu ban hành cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ chiến lược lâu dài, đảm bảo phát triển bền vững và tạo tiền đề cho ngành y tế phát triển thành một trong năm trụ cột phát triển của tỉnh.
Song song với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp đồng bộ và sâu rộng về việc “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” là chủ trương xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế đã mang đến một diện mạo mới cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, “sự hài lòng” của người bệnh được coi là “đích đến”, động lực phát triển thương hiệu, chất lượng dịch vụ y tế giữa các bệnh viện lớn trong khu vực. Đây cũng là cơ hội để mỗi cán bộ y tế, nhân viên ngành y thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, rèn luyện kĩ năng giao tiếp ứng xử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.
Đối với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động về Dân số và Phát triển như: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho trẻ vị thành niên, thanh niên; kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển. Về các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em và chăm sóc sức khỏe sinh sản đã tăng cường đào tạo kỹ năng cho người đỡ đẻ và hồi sức cấp cứu sản khoa cho cán bộ y tế làm công tác sản khoa, chăm sóc sơ sinh, truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản; công tác quản lý thai nghén đạt 99%. Trong những năm qua công tác Vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Nghị Quyết số 04-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; chủ động ngăn ngừa, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; thực hiện có hiệu quả các mô hình thí điểm quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Về công tác bảo hiểm y tế: diện bao phủ của BHYT đã gia tăng đáng kể từ 79,5% dân số tham gia năm 2016 đến 90% năm 2020, vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII giao (82,1%).
Cho đến nay, nhân dân ở hầu hết các vùng, miền trong tỉnh, nhất là những người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện được tiếp cận với các kỹ thuật y học tiên tiến và được đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Toàn tỉnh có 37 bệnh viện công lập (trong đó 12 bệnh viện tuyến tỉnh, 25 bệnh viện đa khoa tuyến huyện) và 9 bệnh viện ngoài công lập. Người dân địa phương ngày càng tin tưởng hơn vào vai trò của hệ thống y tế các cấp. Đây cũng chính là nguồn động viên tinh thần to lớn để đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế Thanh Hóa không ngừng nỗ lực, xứng đáng với 6 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Lương y phải như từ mẫu”.
Thanh Hóa đang chuyển mình mạnh mẽ. Cùng với cả tỉnh, ngành y tế đã và đang có những bước đi nhanh, mạnh, bắt nhịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao của tỉnh. Nhìn lại chặng đường lịch sử 75 năm của ngành Y tế Thanh Hóa (1945 - 2020) - để thấy những khó khăn, thách thức cùng những bước đi táo bạo, mạnh mẽ; sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành; nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Tất cả đã tạo nên sự bứt phá quan trọng, tạo cầu nối cho giai đoạn phát triển mới của ngành y tế Thanh Hóa với những thành công phía trước./.