Lập đường dây nóng gỡ khó về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Bộ NNPTNT cùng với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ trao đổi về việc thiết lập đường dây nóng để thường xuyên trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc trong thương mại nông sản giữa 2 nước.

Theo báo cáo của Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến hết tháng 9 năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019, ở mức hơn 9,8 tỷ USD. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều suy giảm, trong đó hàng rau quả giảm 25,9%, chỉ đạt 1,4 tỷ USD. 

Thời gian tới, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc vẫn đối diện nhiều thách thức như: Tiến trình trao đổi kỹ thuật, đánh giá rủi ro trong công tác mở cửa thị trường các sản phẩm rau quả thường kéo dài, làm hạn chế phát triển thương mại cho các sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi linh hoạt tùy theo từng thời điểm, Chính phủ Trung Quốc định hướng phát triển thương mại chính ngạch.

Đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, Trung Quốc đang áp dụng một số biện pháp quản lý về chất lượng, nguồn gốc, thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... trong xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc.

Tìm giải pháp gỡ khó cho nông sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc
Tìm giải pháp gỡ khó cho nông sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

 

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế Trao đổi thông tin các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam-Trung Quốc tổchức ngày 27/10, ông Lý Kiến Lương, Bí thư thứ nhất, Lãnh sự thương mại, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc cho hay, trong những năm gần đây, để kiểm soát nhập khẩu rau quả theo tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo an toàn thực phẩm. Hải quan Trung Quốc đã từng bước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kiểm dịch đối với rau quả nhập khẩu, đưa ra các quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về xuất xứ, vùng trồng, bao bì, nhãn mác của hoa quả nhập khẩu. 

Theo đó, ông Lý Kiến Lương kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ có những điều chỉnh, cải tiến, cải cách kịp thời để thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc ổn định và bền vững, mang lại nhiều lợi ích hơn cho nông dân.

Ông Tạ Quang Kiên, Quyền trưởng phòng Chính sách thương mại nông sản - Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản bàn về những giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cho hay, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình ký kết Nghị định thư về mở cửa thị trường sản phẩm thạch đen, sầu riêng, khoai lang; đồng thời trao đổi với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với 8 loại hoa quả (thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít); tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường theo thứ tự ưu tiên: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhanh chóng khắc phục việc tạm dừng xuất khẩu xoài, ớt của Việt Nam sang Trung Quốc.tiếp tục cập nhật các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu các sản phẩm trái cây đông lạnh sang thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, Bộ NNPTNT sẽ trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thiết lập đường dây nóng giữa các cơ quan đầu mối kỹ thuật hai nước để thường xuyên trao đổi, tìm các giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc trong thương mại biên giới, thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Minh Đức

"https://thuonghieucongluan.com.vn/lap-duong-day-nong-go-kho-ve-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-a117595.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/lap-duong-day-nong-go-kho-ve-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-a9529.html