Thanh Hóa: Dấu ấn nổi bật sau 5 năm thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính

Sau 5 năm thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, Thanh Hóa tạo nhiều dấu ấn nổi bật, đưa công tác CCHC trở thành “đòn bẩy” để hiện thực hóa những mục tiêu đại hội Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đề ra.

Ảnh minh họa
Tỉnh Thanh Hóa đạt nhiều dấu ấn nổi bật sau 5 năm thực hiện đẩy mạnh
cải cách hành chính. (Ảnh: minh họa)

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, trong đó có các nghị quyết, chương trình, kế hoạch lớn, như: Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Quyết định số 607/QĐ-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về CCHC; quy định chấm điểm chỉ số CCHC; kế hoạch CCHC giai đoạn; kế hoạch CCHC hàng năm...

Cùng với đó, nhiều văn bản quan trọng cũng được ban hành để chỉ đạo, đốn đốc thực hiện công tác CCHC, như: Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; chỉ thị về tăng cường các biện pháp nâng cao chỉ số CCHC; chỉ thị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước.

Đặc biệt, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành và tổ chức thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh.

Xác định trách nhiệm của người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, định kỳ hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân để giải quyết kịp thời các kiến nghị của Nhân dân; Chủ tịch UBND tỉnh cũng tiếp doanh nghiệp định kỳ mỗi tháng để nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động; ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có hỗ trợ cho các doanh nghiệp... Thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện CCHC. Xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện CCHC 5 năm và hàng năm, nội dung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung hoạt động CCHC, thời gian thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm điều hành, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và cơ quan thực hiện.

So với nhiều năm về trước, năm 2019, công tác CCHC của Thanh Hóa đã có sự “bứt phá” mạnh mẽ khi vươn lên xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nằm trong nhóm khá của cả nước; xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (tăng 14 bậc so với năm 2018).

Thứ hạng chỉ số PAPI của Thanh Hóa liên tục tăng điểm, tăng thứ hạng qua các năm. Từ nhóm điểm trung bình cao (xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố năm 2016) tăng lên nhóm điểm cao nhất của cả nước (xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố năm 2018). Sự cải thiện về vị trí xếp hạng đã cho thấy những nỗ lực của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đã được áp dụng. Tiêu biểu như mô hình “hòm phiếu đánh giá sự hài lòng”; “hòm thư góp ý”; công khai xin lỗi khi giải quyết TTHC chậm trễ; phân cấp, ủy quyền phê duyệt kết quả giải quyết đối với 18 thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành; ban hành quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Việc đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cùng việc đầu tư nâng cấp bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại UBND 27/27 huyện, thị xã, thành phố bảo đảm giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân kịp thời, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, đúng quy định.

Thanh Hóa cũng là địa phương quyết liệt trong xây dựng chính quyền điện tử. Khung kiến trúc chính quyền điện tử được hoàn thiện và đã duy trì cập nhật kiến trúc theo quy định của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 13 dự án trong chương trình xây dựng chính quyền điện tử là xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến; hệ thống thông tin và sơ sở dữ liệu quản lý các hoạt động du lịch; phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc...

Trong ứng dụng công nghệ thông tin, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã điều hành, xử lý công việc trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Vì vậy, chỉ số gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng toàn tỉnh ngày càng tăng, đến tháng 5-2020 tỷ lệ văn bản gửi qua mạng của tỉnh đạt 96,7%, (toàn quốc đạt 86,5%). Việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được sử dụng tại 100% các cơ quan hành chính và hơn 150 đơn vị sự nghiệp của tỉnh.

Toàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã cấp hơn 1.100 chứng thư số cá nhân để thực hiện ký số văn bản điện tử; triển khai cấp thiết bị ký số dạng SIM PKI (ký số trên thiết bị di động) cho lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện để thực hiện ký số trên thiết bị di động. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai tại 215 điểm cầu phát huy hiệu quả tích cực, tạo môi trường hội họp hiện đại, thuận tiện, tiết kiệm.

Hệ thống đăng nhập tập trung của tỉnh (https://dangnhap.thanhhoa.gov.vn) được đưa vào sử dụng, bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng. Cổng dịch vụ công của tỉnh cũng được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành; tích hợp hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt của Viễn thông Thanh Hóa để thanh toán phí, lệ phí (nếu có) đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Với nhiều đột phá trong CCHC đã góp phần hiện thực hóa những mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh ước có 14.000 doanh nghiệp thành lập mới. Thu hút đầu tư của tỉnh cũng có nhiều khởi sắc. 5 năm qua, có 1.110 dự án đầu tư vào Thanh Hóa với tổng vốn đăng ký 186.220 tỷ đồng và 3,64 tỷ USD. Ngoài khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn, các vùng kinh tế động lực của tỉnh Thanh cũng đang “chuyển mình” mạnh mẽ với hàng loạt các dự án đầu tư trên các lĩnh vực liên tiếp được triển khai và đi vào hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

“Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư” tiếp tục được xác định là khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Để thực hiện khâu đột phá này, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về CCHC, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách TTHC với mục tiêu “4 tăng, 2 giảm, 3 không”. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết TTHC cho doanh nghiệp và người dân; hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi trong thu hút đầu tư.

Theo Hoài Thu

"https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-dau-an-noi-bat-sau-5-nam-thuc-hien-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-a117483.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/thanh-hoa-dau-an-noi-bat-sau-5-nam-thuc-hien-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-a9519.html