Kiện toàn để tạo sự chuyển biến vượt bậc
Với sự vào cuộc đấu tranh của các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa, trong 8 tháng đầu năm 2020, có 4.037 vụ vi phạm về hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã bị phát hiện và xử lý, trong đó, có 535 vụ vi phạm bị chuyển khởi tố hình sự. Tổng số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, hàng bán thanh lý và truy thu thuế là hơn 90,7 tỷ đồng. Trong thời gian qua, dù đã có sự nỗ lực, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, kiểm tra quản lý nhưng hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn diễn ra khá phức tạp. Các hoạt động buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra công khai qua hình thức thương mại điện tử. Cùng với đó, các đối tượng vi phạm cũng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các loại hàng hóa thẩm lậu vào địa bàn với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, mặc dù đã có những chuyển biến đáng kể, nhưng hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các đối tượng chuyển sang buôn bán, kinh doanh trên môi trường internet kéo theo nhiều thách thức lớn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Cùng với đó, trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, không theo kịp các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng vi phạm. Công tác cập nhật thay đổi thành viên BCĐ, tổ giúp việc chưa kịp thời, làm giảm hiệu quả trong công tác phối hợp đấu tranh.
Cùng với đó, tại nhiều thời điểm, việc triển khai nhiệm vụ vẫn còn chưa chủ động, triệt để, hiệu quả chưa cao, chưa phát hiện được những vụ việc lớn mang tính răn đe. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chế độ thông tin, báo cáo chưa thường xuyên, kịp thời, dẫn đến hiệu quả công tác phối hợp còn hạn chế.
Do vậy, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện rà soát lại quy chế hoạt động của BCĐ 389 tỉnh Thanh Hóa ban hành từ năm 2014 và điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, linh hoạt một số quy định pháp luật mới; kiến nghị bổ sung trang, thiết bị công nghệ cao phục vụ công tác điều tra, kiểm soát; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quan nhiều hình thức; ứng dụng công nghệ trong chế độ thông tin báo cáo.
Đặc biệt, để nhanh chóng chấn chỉnh và phát huy tính hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu thực hiện kiện toàn ngay BCĐ 389 cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố trước ngày 30/9. Giao Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa xây dựng dự thảo sửa đổi quy chế hoạt động của BCĐ 389 tỉnh, trình các ngành chức năng thẩm định ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, phân công rõ hơn chức năng, nhiệm vụ cũng như công tác báo cáo, phối hợp nhằm nâng cao trách nhiệm của ngành thành viên trong nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Sau quá trình thực hiện, ngày 21/09/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3974/UBD-QĐ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; ông Nguyễn Văn Hùng, Cục trưởng cục Quản lý thị trường tỉnh làm Phó Trưởng ban thường trực; ông Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Phó Trưởng ban; ông Trương Văn Luân, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm Phó Trưởng ban; ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài chính làm Phó Trưởng ban.
Các thành viên gồm có ông Trần Huy Chân, Phó Chánh Văn Phòng UBND tỉnh; ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công thương; ông Nguyễn Văn Tước, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; ông Hà Văn Thủy, Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh; ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; ông Phạm Ngọc Thơm, Phó Giám đốc Sở Y tế; ông Lê Xuân Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ; ông Vương Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải; bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy đội Biên phòng tỉnh; ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; ông Vũ Văn Khánh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh; ông Lê Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường; ông Hồ Xuân Hải, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh; ông Vũ Văn Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.
BCĐ 389 tỉnh hoạt động thường xuyên thông qua hoạt động của các thành viên và của Cơ quan Thường trực, trên cơ sở phân công nhiệm vụ rõ ràng, đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện theo Quyết định số 2271/QĐ-UBND.
Theo đó, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở hồ sơ, tài liệu và tình hình thực tế; triệu tập họp Ban Chỉ đạo 389 hàng quý, hoặc đột xuất khi có vấn đề, vụ việc phức tạp, nghiêm trọng; thành lập hoặc chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra thực hiện nếu cần thiết. Các Thành viên BCĐ 389 làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực của Bộ, ngành mình và các nhiệm vụ được Trưởng Ban phân công. Ban Chỉ đạo 389 sẽ hành động thiết thực, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong tình hình mới
Sau quá trình kiện toàn lại, trước nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình thị trường biến động trong những tháng cuối năm, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, BCĐ 389 tỉnh Thanh Hóa đã đề cao tinh thần nghiêm túc, quyết liệt trong việc tiếp tục quán triệt và tổ chức hiệu quả các nội dung, chỉ đạo, kế hoạch của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia trong tình hình mới.
Trong đó, BCĐ 389 tỉnh Thanh Hóa sẽ đặc biệt tập trung làm tốt công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường để có giải pháp kiểm tra, xử lý hiệu quả. Trong công tác điều tra, trinh sát sẽ tổ chức nhân mối, triệt phá các tụ điểm tập kết, kinh doanh, nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới, các vấn đề nổi cộm. Chú trọng thanh tra, kiểm soát các lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm, đặc biệt là các mặt hàng, thiết bị phòng chống dịch, hàng hóa kinh doanh trên môi trường điện tử, các mặt hàng có tác động lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban BCĐ 389 tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Để hoạt động của BCĐ 389 tỉnh được phát huy hiệu quả thiết thực thời gian tới, trọng tâm công việc cần làm là tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, coi đây là nhiệm hàng đầu”.
Song song với đó, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường. Kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết.
Các BCĐ cấp huyện cần thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo BCĐ cấp tỉnh để tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đối với cán bộ công chức cần tăng cường kỷ cương, phòng chống các biểu hiện tiêu cực tham nhũng.
Lê Nam- Hoài Thu
"https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-hoan-thanh-viec-kien-toan-ban-chi-dao-389-cac-cap-a117052.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/thanh-hoa-hoan-thanh-viec-kien-toan-ban-chi-dao-389-cac-cap-a9466.html