BHYT hay chính xác hơn là BHYT xã hội, là chính sách an sinh xã hội, một phương tiện cơ bản để thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quỹ BHYT là quỹ tài chính y tế công ngoài ngân sách nhà nước, sử dụng cho việc chi trả chi phí của các dịch vụ khám chữa bệnh mà người tham gia BHYT đã sử dụng theo quy định của pháp luật.
Quỹ BHYT được hình thành từ nguồn đóng BHYT của người tham gia và các nguồn thu hợp pháp khác. Vì vậy, quỹ BHYT có tính chất chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng tham gia có nguy cơ và nhu cầu khác nhau về chăm sóc sức khỏe nói chung cũng như khám chữa bệnh nói riêng, chia sẻ về tài chính giữa những người có điều kiện kinh tế khá giả với người khó khăn, chia sẻ giữa các khu vực kinh tế xã hội khác nhau.
Tuy nhiên, từ năm 2016 bắt đầu mất cân đối giữa thu và chi quỹ BHYT trong năm, nhưng tính trên toàn hệ thống, quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối thu - chi do có nguồn quỹ dự phòng từ các năm trước. Nguyên nhân của mất cân đối thu - chi là do mức đóng BHYT không thay đổi nhiều năm trong khi có điều chỉnh về phạm vi quyền lợi BHYT, về giá dịch vụ tế, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao do tình trạng già hóa dân số, do thay đổi mô hình bệnh tật, gia tăng các bệnh mạn tính không lây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ y học, điều kiện để tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng thuận tiện hơn…
Đóng góp ý kiến vào việc kiểm soát hiệu quả quỹ BHXH, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nêu quan điểm: Chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp năm 2021 tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 528/2018/UBTVQH14. Từ năm 2022 trở đi, việc giao dự toán và thực hiện chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cần tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động bộ máy và các định hướng của Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương (Nghị quyết số 21-NQ/TW) và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28-NQ/TW).
Cụ thể, cơ quan Trung ương đã đặt ra đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Nghị quyết số 21-NQ/TW). Bên cạnh đó là nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp (Nghị quyết số 28-NQ/TW).
Song song với đó là hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện BHXH, BH thất nghiệp...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, cần triển khai có hiệu quả các chính sách BH thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Chi phí tổ chức thực hiện chính sách BH thất nghiệp lấy từ nguồn Quỹ BH thất nghiệp, không lấy từ ngân sách Nhà nước. Có cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để đảm bảo quỹ BHYT, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, cần tăng quyết liệt tổ chức và triển khai sâu rộng khám chữa bệnh theo hình thức “Bác sỹ gia đình”; Khám chữa bệnh từ xa; Liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và các thăm dò chức năng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh khám chữa bệnh ngoại trú cho bệnh nhân. Điều này sẽ góp phần giúp cho bệnh nhân đỡ khỏi phải nằm viện nếu thực sự không cần tiết; giảm chi phí, công sức cho người nhà bệnh nhân. Điều đặc biệt là giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến trên và cơ quan BHYT đỡ bớt phải chi trả, nhất là tiền giường bệnh.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đóng góp ý kiến: Để đảm bảo quỹ BHYT khám chữa bệnh cho người dân, cần thiết là nên đưa ra mức đóng BHYT với các quy định giá cụ thể vào trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đối với Bộ Y tế, cần nghiên cứu để tăng cường đưa việc khám chữa bệnh ngoại trú, khám chữa bệnh theo hình thức “Bác sĩ gia đình” và khám chữa bệnh từ xa vào trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng như có giải pháp để người dân hạn chế lạm dụng khám chữa bệnh bằng BHYT.
Theo V.Anh
"https://thuonghieucongluan.com.vn/trien-khai-sau-rong-kham-chua-benh-theo-hinh-thuc-bac-sy-gia-dinh-a116752.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/trien-khai-sau-rong-kham-chua-benh-theo-hinh-thuc-bac-sy-gia-dinh-a9405.html