Theo kết quả nghiên cứu, có 25,9% số mũ được chọn khảo sát là mũ “lưỡi trai”, lớp vỏ nhựa mỏng, không có lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng nên không được xem là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy theo quy định tại tiêu chuẩn QCVN2: 2008/BKHCN (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy).
Điều đáng nói là chỉ có 10,1% trong tổng số 540 mũ mang vào thử nghiệm là đạt tiêu chuẩn đối với thử nghiệm va đập theo quy trình thử nghiệm quy định tại QCVN2: 2008/BKHCN. Hay nói cách khác, 89,9% tổng số mũ được thử nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không bảo vệ được người sử dụng khỏi nguy cơ chấn thương sọ não trong trường hợp không may gặp tai nạn giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định: Kết quả nghiên cứu đã phản ánh một phần về thực trạng sử dụng mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn chất lượng dẫn đến hạn chế trong việc giảm thiểu tỉ lệ thương vong khi xảy ra va chạm.
Điều này đặt ra những câu hỏi lớn đối với hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng đối với loại sản phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, sinh mạng của nhân dân.
Đồng thời, cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện hơn nhằm đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy và xe đạp điện ở Việt Nam.
“Tôi đề nghị phải bỏ ngay chữ "mũ bảo hiểm lưỡi trai" trong hồ sơ kiểm định. Không có thuật ngữ nào là "mũ bảo hiểm lưỡi trai" cả. Tại sao cứ 100 người ngã xuống đường thì đa số là bị chấn thương đầu, số người không bị chấn thương rất ít. Trong khi đi nghiên cứu cho thấy, nếu đội mũ đạt chuẩn thì giảm thiểu chấn thương sọ não rất cao nếu có va chạm. Tôi cho rằng cần đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu trước”, ông Hùng nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, nón bảo hiểm kém chất lượng thiếu những bộ phận cần thiết để đảm bảo an toàn, ví dụ như lớp xốp là bộ phận rất quan trọng giúp giảm tác động của va đập khi xảy ra va chạm. Việc chọn nơi mua nón thuận tiện, giá thành rẻ, và nhận thức chưa đúng của người tham gia giao thông là một nguyên nhân dẫn tới việc sử dụng nón chưa đạt chất lượng trên thị trường.
Ngoài chất lượng, các chuyên gia cũng cho rằng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt những mặt hàng mũ bảo hiểm là hàng trôi nổi. Đồng thời phải giáo dục, tuyên truyền nhiều hơn nữa từ đó để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khi sử dụng mũ bảo hiểm.
Theo Tâm An
"https://thuonghieucongluan.com.vn/de-nghi-khai-tu-mu-bao-hiem-luoi-trai-do-khong-dat-tieu-chuan-a115694.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/de-nghi-khai-tu-mu-bao-hiem-luoi-trai-do-khong-dat-tieu-chuan-a9245.html