Đây là một chủ trương rất đúng và kịp thời, nếu tổ chức tốt được việc kết nối sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất và kinh doanh ở nước ta. Thực ra từ nhiều năm nay cũng đã có những cuộc kết nối, tuy nhiên, những kết nối này còn mang nhiều tính tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ, kết nối cơ học là chính, địa phương nào có thế mạnh về xúc tiến thương mại, sản xuất phát triển thì công tác kết nối có nhiều điểm đáng ghi nhận, việc kết nối trước đây, hiệu quả đem lại còn thấp và chưa rõ rệt.
Ngay cả những cuộc kết nối để tiêu thụ hàng hóa nông sản của các địa phương trong cả nước gần đây thì hiệu quả đem lại mới được 20% (theo nhận xét của Bộ Công Thương). Vậy chúng ta phải kết nối như thế nào để chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, đem lại niềm tin cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh?.
Mục đích của việc kết nối, đó là: Phải thúc đẩy sản xuất, phát triển, sản xuất an toàn, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất cao, giá thành cạnh tranh, những quỹ hàng hóa sản xuất ra được tiêu thụ một cách khoa học, hiệu quả theo đúng chương trình liên kết đã đề ra trong từng giai đoạn, giảm bớt thấp nhất việc được giá mất mùa, được mùa mất giá ở trên thị trường đã kéo dài nhiều năm nay chưa khắc phục được cơ bản. Kết nối như thế nào để nền nông nghiệp ở nước ta đứng ở thế chủ động, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi nhuận hợp lý cho các doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân. Kết nối để các nhà bán lẻ mở rộng cửa đón các sản phẩm hàng hóa được sản xuất ra để chủ động được nguồn hàng, tổ chức tiêu thụ hàng hóa đạt tiêu chuẩn, giá cả hợp lý, phục vụ người tiêu dùng ít bị tồn kho ứ đọng, đồng thời cũng góp phần vào việc xây dựng thương hiệu và vai trò của hệ thống bán lẻ quốc gia.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, trong thời đại công nghệ 4.0, kinh tế số phát triển, công nghệ thông tin được áp dụng ngày càng sâu rộng vào các lĩnh vực kinh tế thì việc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ ngoài các hình thức truyền thống thì cần áp dụng công nghệ để thực hiện việc tổ chức thu mua nguồn hàng và phân phối bán lẻ. Với ưu thế nổi trội của thương mại điện tử (TMĐT) là không phân biệt không gian và thời gian, chi phí thấp, giao dịch tiện lợi, độ phủ rộng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam ngày càng được đào tạo một cách bài bản và phát triển rất nhanh về mặt số lượng. Rõ ràng, việc kết nối thông qua TMĐT hiện nay và trong tương lai sẽ có những triển vọng rất sáng sủa.
Những số liệu dưới đây cho thấy những thành công bước đầu trong giao dịch và phát triển thương mại điện tử ở nước ta.
Doanh số TMĐT mấy năm gần đây tăng bình quân 25% /năm, quy mô giao dịch thương mại điện tử năm 2020 khả năng đạt 13 tỷ Đô la, trong đó giao dịch bán lẻ đạt khoảng 10 tỷ Đô la. Còn theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam thì năm 2018 đã có 44% doanh nghiệp xây dựng xong website thương mại điện tử của mình, 36% doanh nghiệp bán hàng trên mạng xã hội, 12% doanh nghiệp có kinh doanh qua sàn TMĐT, 17% doanh nghiệp có kinh doanh trên nền tảng di động. Đã có 84% doanh nghiệp và có đơn hàng và đặt hàng qua email, 48% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua mạng xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã biết sử dụng công cụ TMĐT để kết nối với nhau ngày càng hiệu quả hơn.
Theo Anh Minh
"https://thuonghieucongluan.com.vn/thuong-mai-dien-tu-cong-cu-quan-trong-trong-ket-noi-tieu-thu-nong-san-a115702.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/thuong-mai-dien-tu-cong-cu-quan-trong-trong-ket-noi-tieu-thu-nong-san-a9244.html