Online 2 tiếng mỗi ngày, thu nhập cả chục triệu mỗi tháng?
Những thông tin tuyển dụng kể trên thường được quăng vào các diễn đàn rao vặt, kênh tìm kiếm việc làm của sinh viên. Rất nhiều người bị thu hút bởi các công việc hấp dẫn như đọc báo soát lỗi chính tả, xem video, điểm danh hàng ngày hoặc viết review sản phẩm… chỉ cần online khoảng 2 tiếng mỗi ngày sẽ có thu nhập ổn định mỗi tháng.
Theo tìm hiểu, để bắt đầu làm việc, mỗi người được yêu cầu đóng 250.000 để mua một khóa học hướng dẫn, sau đó người quản lý nhóm cung cấp đường link truy cập kèm theo một mã mời, dựa vào mã này để giới thiệu cho người khác và nhận về hoa hồng. Ngoài ra, các thành viên cũng được hướng dẫn cách xem video và đọc báo để kiếm tiền. Nhưng công việc này bị giới hạn thời gian và số xu (đơn vị tiền tệ trong hệ thống) nhận về quá ít không đủ quy đổi sang tiền mặt theo yêu cầu.
Một trường hợp khác là H.T sinh viên năm cuối một trường ĐH cũng bị lừa với phương thức tương tự. Công việc mà em được giao là review các địa điểm du lịch hoặc quán ăn, nhà hàng, quán cafe dù chưa một lần đặt chân tới và phải đóng 500.000 đồng để kích hoạt tài khoản trước khi tham gia. Mỗi bài review được hứa hẹn nhận được 25.000 đồng, nhưng sau đó H.T chỉ nhận được 5.000 – 7.000 đồng/bài viết. Sau gần một tháng làm việc, H.T nhận về tài khoản 250.000 đồng trước khi hệ thống bất ngờ sập.
Thử liên hệ với một tài khoản Facebook đang rao tuyển dụng việc nhẹ, lương cao để xin việc thì nhận được một đường link kèm hướng dẫn: Bạn chỉ cần nhấp vào đây, tải ứng dụng về điện thoại di động, sau đó đăng ký, nhập thông tin tài khoản. Mỗi ngày, dành ra 10 - 15 phút đọc tin quảng cáo hoặc các bài báo soát lỗi chính tả, mỗi lượt đọc sẽ nhận được thù lao. Đến mức 100.000 đồng, có thể đổi trực tiếp ra thẻ cào điện thoại hoặc chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, khi mời được một người mới, cài ứng dụng qua đường link đã chia sẻ thì bạn nhận được 3.000 đồng tiền hoa hồng.
Theo các chuyên gia, đây là một chiêu trò lừa người lao động có nhu cầu tìm việc, đánh trúng tâm lý của nhiều bạn sinh viên, bà nội trợ nhàn rỗi. Không ít người dính bẫy, dành thời gian đọc báo, xem quảng cáo cả tháng trời mà chả thấy tiền đâu. Thực chất chủ các trang mạng sẽ nhận được tiền từ các nhà quảng cáo, dựa theo lượt view của người xem.
Thủ đoạn lừa đảo đa cấp trá hình
Hình thức xem video và đọc báo kiếm tiền hay viết review đã xuất hiện từ khá lâu, có không ít ứng dụng và nền tảng khai thác khía cạnh kiếm tiền online (còn gọi là MMO) này. Dần dần, hình thức này bị biến tướng và trở thành thủ đoạn lừa đảo đa cấp.
Ngoài khoản lợi nhuận và hoa hồng ban đầu có thể nhận được, hầu hết những người tham gia sau trong hệ thống đều trở thành nạn nhân. Nhiều người bị “sập bẫy” mà không biết kêu ai, đành ngậm ngùi vì số tiền bị lừa không phải quá lớn và chịu mang tiếng vì “rủ rê” người thân, bạn bè.
Tóm lại, không có việc rà soát chính tả nào, chỉ là lừa đảo thông qua việc cài app vào điện thoại của người dùng. Và bạn có đọc báo hay không, viết review hay không thì công cuộc kiếm tiền đều vô nghĩa khi đó chỉ là tiền ảo thể hiện qua những con số xem cho vui, không quy đổi được ra tiền thật. Việc quảng cáo mời gọi, lôi kéo người khác cùng tham gia cài app để đọc báo, soi chính tả tích lũy xu, kiếm tiền theo con đường đa cấp sẽ giúp bọn lừa đảo phát tán trò bịp bợm rộng rãi.
Trên Internet, các ứng dụng đọc báo dò soát chính tả, xem quảng cáo kiếm tiền như vậy nhiều nhan nhản. Hầu hết các trang này đều có địa chỉ rất mập mờ, không cụ thể; một số trang mạng có địa chỉ tại nước ngoài. Người đăng ký tham gia làm việc phải cung cấp khá nhiều thông tin cá nhân như tên tuổi, số điện thoại, số thẻ ngân hàng, kèm theo nguy cơ rủi ro do mất dữ liệu thông tin cá nhân.
Mạng xã hội không chỉ là nơi giao lưu kết bạn, trao đổi thông tin, thể hiện bản thân mà còn trở thành một thị trường đầy tiềm năng cho các nhà kinh doanh, tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, nó cũng mang lại những rủi ro rất cao. Để tránh bị lừa, thiệt hại tiền bạc, tốn thời gian, người có nhu cầu tìm việc làm cần tìm hiểu kỹ thông tin từ các đơn vị tuyển dụng, nên cân nhắc kỹ trước khi nộp tiền. Nếu không may trở thành nạn nhân, cần tìm đến các cơ quan chức năng để tố cáo nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
Theo Trí Tâm
"https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/an-ninh-mang/doc-bao-online-soat-loi-chinh-ta-viec-lam-ao-mat-tien-that/20200914114751237"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/doc-bao-online-soat-loi-chinh-ta-viec-lam-ao-mat-tien-that-a8868.html