Dân nghèo ôm mộng làm giàu
Ngày 28/08/2020, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã bắt tạm giam các lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Gold Time (Công ty Cổ phần tập đoàn Thời gian vàng) để phục vụ công tác điều tra về hành vi: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm đ khoản 2 điều 290 Bộ Luật hình sự.
Mọi hệ thống thông tin của Gold Time đều bị xóa. Chẳng hạn như hệ thống website và sàn giao dịch cổ phiếu nội bộ của công ty này đã khóa, các group (nhóm) trên mạng xã hội với hàng nghìn thành viên cũng bị đóng.
Nhiều người dân ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên chưa hết bàng hoàng khi tiếp nhận tin này dù nó được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Họ mất ăn, mất ngủ vì lo lắng cho khoản đầu tư vài chục triệu đồng vào hệ thống có nguy cơ mất trắng, đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của những người nông dân lam lũ quanh năm gắn với ruộng đồng. Ngoài việc bị mất tiền, còn nỗi lo về khả năng vi phạm pháp luật đang ám ảnh dân nghèo mỗi ngày.
Ngay sau đó, các trưởng nhóm, quản trị hệ thống lập tức đăng đàn livestream trấn an dư luận và người góp vốn. Nhấn mạnh sẽ hợp tác với nhà chức trách để phục vụ công tác điều tra song những người này vẫn khẳng định Gold Time không phải là đa cấp lừa đảo. Không ít “cổ đông” tỏ ra tin tưởng và cho rằng Gold Time không lừa đảo, khẳng định những “giá trị” phi thực tế mà Tập đoàn này mang lại. Thậm chí nhiều người còn cho rằng báo đài đăng tải thông tin không chính xác, quy chụp và trù dập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi được hỏi khoản tiền của thành viên tham gia góp vốn được xử lý ra sao, những người này đều không có câu trả lời.
Các chiêu lừa tinh vi
Theo cơ quan điều tra, ngay từ khi thành lập, Tập đoàn Gold Time đã yêu cầu người tham gia bỏ một số tiền đặt cọc dưới hình thức mua phân quyền kinh doanh. Nhưng công ty không có bất cứ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào.
Bằng cách vẽ ra các dự án ma như: chuỗi cafe Golden Time Coffee, kinh doanh bất động sản, vườn sinh thái, sáng lập chuỗi siêu thị Golden Time… Gold Time đã lôi kéo hàng trăm nghìn người gia nhập mạng lưới đa cấp và dùng đủ trò để huy động hàng trăm tỉ đồng vốn trái phép.
Mặc dù không kinh doanh, sản xuất sản phẩm gì nhưng Gold Time vẫn tuyên bố hùng hồn sẽ phát triển công ty tầm cỡ quốc tế như Amazon hay Alibaba,... Thậm chí, còn khoe khoang đã bán được thương hiệu Gold Time với giá cả nghìn tỉ đồng.
Theo Cổng thông quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Gold Time được thành lập ngày 16/10/2018, có mã số thuế là 0315327217. Trụ sở chính đặt tại 42/1 Nguyễn Minh Hoàng, phường 12, quận Tân Bình, TP HCM. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Khắc Đồi. Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ phục vụ đồ uống (quán cafe), cùng 48 ngành nghề khác như xây dựng, quảng cáo, trồng lúa, trồng cafe, dịch vụ ăn uống, kinh doanh bất động sản… nhưng không có lĩnh vực tài chính.
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Gold Time có vốn điều lệ đăng ký là 20 tỉ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Khắc Đồi (Đồng Nai) góp 10 tỉ đồng, tương đương 50% vốn và nắm giữ 1 triệu cổ phần. Ông Bàn Văn Dũng (Gia Lai) và bà Trương Hoàng Ngọc Diệp (Đồng Nai) mỗi người sở hữu 400.000 cổ phần, chiếm 20% vốn, tương đương 4 tỉ đồng. Cuối cùng là Lâm Thanh Phong (Long An) góp 2 tỉ đồng, tương ứng 10% vốn và 200.000 cổ phần. Đây chỉ là số vốn đăng ký, còn số tiền thực góp là bao nhiêu vẫn chưa rõ. Đến nay, ngoài số vốn góp này, Gold Time không ghi nhận thêm nguồn vốn hay tài sản khác.
Gold Timequảng cáo sẽ sản xuất điện thoại mang thương hiệu Goldtime Phone…
Tuy nhiên, theo một thành viên trong mạng lưới của Gold Time, vị Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khắc Đồi luôn khoe Tập đoàn này có số vốn 10.000 tỉ đồng. Công ty đang có kế hoạch lấn sân sang các mảng kinh doanh về bất động sản, du lịch, thương mại điện tử, thậm chí sản xuất điện thoại mang thương hiệu Goldtime Phone…
Trên thực tế, Gold Time đưa ra phương thức kinh doanh có 1-0-2 đó là "phân quyền", tức chia quyền làm chủ công ty. Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 3 triệu đồng ban đầu để mua quyền kinh doanh thương hiệu Gold Time sẽ được hưởng trọn đời mọi quyền lợi.
Có hai hình thức để trở thành thành viên của Gold Time. Một là, nếu nhà đầu tư có sẵn quán cà phê, sẽ hợp tác với Gold Time theo hình thức liên kết phân quyền, chủ quán chỉ cần kêu gọi 5 người khác mua phân quyền của Gold Time. Đổi lại, chủ quán được hỗ trợ bảng hiệu và mạng lưới khách hàng là thành viên của công ty.
Nhưng theo Gold Time dù không có quán cà phê, nhà đầu tư vẫn có thể tham gia làm thành viên Gold Time chỉ bằng cách đăng ký tài khoản trên ứng dụng nội bộ của công ty. Tiếp đó, chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản Gold Time để mua điểm với giá trị 1.000 đồng tương đương 1 điểm. Đặc biệt, khi giới thiệu người tham gia, nhà đầu tư sẽ nhận được 10% (F1), 0,5% (F2) cho đến cấp F11, giới thiệu được càng nhiều người đầu tư vào Golden Time số tiền % được hưởng sẽ càng lớn.
Đáng chú ý là, khi đóng tiền nhà đầu tư không có phiếu thu hay hợp đồng gì ràng buộc, tiền được chuyển trực tiếp vào tài khoản của ông Nguyễn Khắc Đồi, sau đó được cấp một giấy chứng nhận cổ phiếu bằng điện tử.
Gold Time thực ra không phát triển kinh doanh mà chỉ tập trung lôi kéo, thu hút thêm người tham gia mạng lưới bằng cách mua phân quyền. Các thành viên sẽ có cơ hội thăng tiến "không giới hạn" với các vị trí Tổng đại lý và Giám đốc kinh doanh phân quyền theo chính sách doanh số cộng dồn. Điều này giúp thành viên có nguồn thu nhập thụ động và được chia sẻ lợi nhuận kinh doanh trước thuế của công ty tới 80% thông qua chi trả cổ tức hàng tháng.
Thế nhưng theo truyền thông đưa tin, năm 2018, Tập đoàn Gold Time hầu như không có doanh thu. Đến năm 2019, doanh thu đạt khoảng 182 tỉ đồng nhưng chi phí lên tới gần 190 tỉ nên công ty lỗ hơn 7 tỉ đồng.
Ngoài ra, Gold Time vẽ lên các dự án ma như: Công ty công nghệ Gold Time Tech, Quỹ đầu tư G Capital, Trang thương mại điện tử Gvinawell Mart, Công ty tài chính Gvina Finance,... Tuy nhiên, tất cả chỉ tồn tại trên giấy!
Gold Time còn lập ra "mạng xã hội" Gvinawell và người dùng có thể nhận được lợi nhuận từ việc điều hành mạng xã hội của Gold Time. Tất nhiên, phải tham gia mua phân quyền với giá 3 triệu đồng. Gold Time quảng cáo mạng xã hội này được tích hợp trang cá nhân, phòng họp và trò chuyện nhóm. Các thành viên chỉ cần sử dụng mạng nội bộ mà không cần sử dụng bất cứ mạng xã hội nào khác như Facebook, Zalo, Viber… Chưa hết, Gold Time còn trưng ra mô hình của một "smartphone" có tên GTPhone. Được quảng cáo là "Tuyệt phẩm camera phone 48MP" với giá thị trường 10 triệu đồng, mở bán vào ngày 1/8/2020.
“Mỡ nó rán nó”
Một thành viên chia sẻ, lớp học được diễn ra trên ứng dụng Zoom. Ông Nguyễn Khắc Đồi không nói về phương thức phát triển chuỗi cà phê mà chỉ tập trung vào cơ chế mua phân quyền. "Không quan trọng bán được bao nhiêu ly cà phê. Nếu mỗi ngày bán phân quyền cho 5 khách hàng thành công, mỗi tháng chúng ta sẽ có 180 tỷ đồng", ông Đồi nói.
Theo công bố của Gold Time, sau hơn 2 năm thành lập, hệ thống đã phát triển mạng lưới tới tận nhiều vùng nông thôn. Nguồn thu chủ yếu của Gold Time đến từ việc lôi kéo người dân tham gia mua phân quyền kinh doanh; phát triển mạng lưới thành viên dưới dạng mô hình nhánh, cành với cơ chế trả thưởng hấp dẫn.
Hoạt động của Tập đoàn Gold Time được cơ quan công an xác định dùng tiền người sau trả cho người trước - lấy mỡ nó rán nó. Hành vi của những người này là sử dụng hình thức đa cấp chưa được sự cấp phép của cơ quan chức năng để huy động vốn vào những dự án không có thực. Hiện số người tham gia vào hệ thống của Tập đoàn Gold Time lên tới gần 400.000 người với số tiền bị chiếm đoạt khoảng 900 tỷ đồng.
“Núp bóng” kinh doanh đa cấp để chiếm đoạt tài sản
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trên mạng, huy động số người tham gia đặc biệt lớn, dù không được cấp phép.
Điều tra bước đầu cho thấy, Tập đoàn Gold Time đã dùng gần 900 tỷ đồng của các nhà đầu tư để nuôi bộ máy, chi hoa hồng, chia cổ tức hàng tháng và mua bất động sản. Toàn bộ đối tượng chủ mưu đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài sản.
Từ năm 2017 đến nay, nhiều công ty bị xử lý về tội vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh đa cấp theo Điều 217A Bộ luật Hình sự 2015. Điều luật này chỉ quy định 2 hành vi cấu thành tội phạm: Thứ nhất là kinh doanh đa cấp mà không có giấy phép đăng ký kinh doanh; Thứ hai là có giấy phép nhưng hoạt động không đúng với quy định.
Cơ quan công an cho biết, bản chất vi phạm trong kinh doanh đa cấp nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người tham gia, có vụ, tài sản bị chiếm đoạt cả chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều nguyên nhân khiến rất ít vụ xử lý đúng bản chất của hành vi này như vụ việc liên quan Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời gian vàng, trong đó có cả nhận thức khác nhau của chính lực lượng bảo vệ pháp luật.
Những vụ kinh doanh đa cấp trước đây bị xử lý tội chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu, do hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng với số người bị hại cực lớn. Tiêu biểu như vụ MB24, Vì cộng đồng Việt hay Thiên Ngọc Minh Uy. Phần lớn các vụ khác chỉ dừng lại ở khung hình phạt Vi phạm quy định trong kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nguyên nhân do hầu hết các nạn nhân đều tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp một cách tự nguyện nên yếu tố dân sự rất dễ bị chi phối bởi nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, đã cảnh báo về dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép của một loạt website, ứng dụng hoàn tiền. Bộ Công an cảnh báo, cần siết chặt quy định thành lập và vận hành hoạt động của các công ty kinh doanh theo phương thức đa cấp để có biện pháp ngăn chặn ngay từ khi có biểu hiện vi phạm để tránh hậu quả xảy ra.
Theo Trí Tâm
''https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/cong-nghe-24h/nup-bong-da-cap-thu-loi-bat-chinh-chieu-cu-nhung-nhieu-nguoi-van-mac-bay/20200916102555637''
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/nup-bong-da-cap-thu-loi-bat-chinh-chieu-cu-nhung-nhieu-nguoi-van-mac-bay-a8853.html