Hà Nội có hơn 800 điểm kinh doanh trái cây an toàn

Hà Nội đã cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” cho 809 cửa hàng; triển khai 40 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè Tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện.

Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội” đã đạt được kết quả tích cực,  hướng tới đảm bảo được “mục tiêu kép”: đảm an toàn thực phẩm và văn minh thương mại, trật tự đô thị.

Thực hiện đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”, từ cuối năm 2017 đến nay, 12 quận đã cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” cho 809 cửa hàng đáp ứng tiêu chí của đề án; đồng thời triển khai 40 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện, 100% người kinh doanh được khám sức khỏe định kỳ; có thiết bị bảo quản trái cây; nguồn gốc trái cây được giám sát…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định: Việc xây dựng tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè kết hợp cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn đạt “mục tiêu kép” vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa tạo thói quen kinh doanh đúng pháp luật cho người bán hàng để bảo đảm văn minh thương mại, trật tự đô thị. Đặc biệt, tại khu vực nội thành toàn bộ 809/809 cửa hàng đã được cấp biển nhận diện, trong khi trước thời điểm triển khai đề án, tỷ lệ cửa hàng đạt tiêu chuẩn là 30%”.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế tình trạng bán trái cây tại vỉa hè, lòng đường còn tồn tại ở nhiều nơi. Trong đó phải kể đến một bộ phận người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua trái cây tại chợ "cóc", hàng rong. Mặt khác, việc vận động các điểm kinh doanh trái cây tại chợ dân sinh hoặc hộ kinh doanh trong các ngõ, phố hoàn thiện điều kiện cấp biển nhận diện gặp nhiều khó khăn do quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, khó đầu tư đầy đủ trang thiết bị.

Thành phố Hà Nội còn khoảng 3.000 hộ kinh doanh trái cây tại chợ dân sinh, chưa kể điểm kinh doanh tại khu vực ngoại thành. Do đó, việc nhân rộng điểm kinh doanh trái cây an toàn và tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè là rất cần thiết, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các ngành, địa phương. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025”. Đề án hướng tới mục tiêu giai đoạn 2020-2021 có 30-50% tuyến phố văn minh không có hàng rong, hộ kinh doanh lấn chiếm hè, đường....

Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai đề án với 18 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, cùng với tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và người kinh doanh, Sở tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh trái cây, hàng rong lấn chiếm hè, đường; công khai các cửa hàng được cấp biển nhận diện vi phạm quy định...

Bà Phạm Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Xuân cho biết, để tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, quận sẽ rà soát quỹ đất tại các chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trái cây trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh. Ngoài ra, tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm trong lưu thông, kinh doanh trái cây trên địa bàn.

Theo Hoan Nguyễn

"https://thuonghieucongluan.com.vn/ha-noi-co-hon-800-diem-kinh-doanh-trai-cay-an-toan-a113527.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/ha-noi-co-hon-800-diem-kinh-doanh-trai-cay-an-toan-a8798.html