Tuy vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng lưu ý rằng, cần quan tâm hơn đến các điều kiện để bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và phục vụ phát triển đất nước.
Mới đây, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng đã làm việc với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp thời gian tới. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc.
Tăng quy mô tuyển sinh gấp đôi vào năm 2025
Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức, dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, các hiệp định thương mại thế hệ mới, dịch bệnh Covid-19 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, thì yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động ngày càng cao.
Tuy vậy, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, trong bối cảnh đó, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, quy mô tuyển sinh đào tạo chưa tương xứng với năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường; công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông còn bất cập; cơ cấu ngành, nghề đào tạo còn bất hợp lý, nhất là các ngành, nghề kinh tế mũi nhọn; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao, chưa gắn và đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các ngành, địa phương và đơn vị sử dụng lao động.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025 quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt gấp đôi so với hiện nay (hiện nay là 2,2 triệu học sinh, sinh viên/năm); phấn đấu có 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Đến năm 2030 tiếp tục tăng quy mô tuyển sinh đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và các nước công nghiệp mới G20.
7 nhóm giải pháp
Để đạt các mục tiêu trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đưa ra 7 nhóm giải pháp, gồm: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm tính phù hợp, linh hoạt và mở của hệ thống; đổi mới hệ thống tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững; quản lý, bảo đảm chất lượng; tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; quản trị hệ thống và quản trị nhà trường; truyền thông, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề xuất, trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp, bổ sung quy định miễn, giảm thuế đối với hoạt động đào tạo do doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thực hiện đối với người lao động của đơn vị mình hoặc cho xã hội, trong đó có các chi phí đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp của doanh nghiệp cho người lao động cũng được xác định là chi phí hợp lý, hợp lệ để có thể hưởng ưu đãi trong hoạt động xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT; bổ sung quy định về đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học.
Có cơ chế phối hợp chặt chẽ
Cơ bản đồng tình với định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp thời gian tới cũng như những mục tiêu mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đưa ra, song Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng lưu ý, cần quan tâm hơn đến các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong đó có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Các đại biểu cũng mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành liên quan để thực hiện tốt giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sau THCS, THPT.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, cần nhìn nhận rõ, giáo dục nghề nghiệp nằm trong tổng thể giáo dục quốc dân, trong đó xương sống là khung trình độ quốc gia 8 bậc. Phải xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, phân tích rõ điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ, thách thức, từ đó đưa ra quy mô đào tạo phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhất là đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng nghề; xác định rõ đối tượng đào tạo và đào tạo lại.
Theo Duy Thế
"https://thuonghieucongluan.com.vn/dinh-huong-phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-trong-thoi-gian-toi-a112607.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/dinh-huong-phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-trong-thoi-gian-toi-a8618.html