Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020 cả nước có gần 30.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019. Từ con số trên có thể thấy dịch bệnh Covid-19 đã làm cho không ít DN phải điêu đứng lao đao.
Giới chuyên gia nhận định, mặc dù dịch bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng lên nền kinh tế nhưng đây cũng sẽ là thời điểm thanh lọc DN. Những DN có hệ thống vững chắc, có tầm nhìn, đủ năng lực sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển. Những DN năng lực yếu kém thì sẽ bị đào thải.
Nếu như ở giai đoạn đầu, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát đã làm cho mọi người hoang mang, sợ hãi, bất an và khủng hoảng. Giới DN cũng bị bất ngờ và phải chịu những “đòn rất đau” vì chưa hề có sự chuẩn bị trước đó, nhiều DN bị vỡ trận vì không có những giải pháp ứng phó kịp thời với tình hình mới.
Tuy nhiên, đến khi dịch bệnh bùng phát trở lại bắt đầu từ Đà Nẵng và lan sang cả nước với tình hình có chiều hướng phức tạp và khó kiểm soát, nghiêm trọng hơn cả ở đợt 1 thì chúng ta lại đang chứng kiến một trạng thái đúng nghĩa “bình thường mới”.
Mọi người không còn quá ồn ào, sợ hãi và quá lo ngại nữa. Thậm chí chúng ta còn thấy mọi người đang khá chủ quan với tình hình dịch bệnh hiện tại. Còn DN, những đơn vị nào còn trụ lại được thì họ đang tập trung cho việc tối ưu và gia tăng doanh thu để duy trì hoạt động chứ không quan tâm và lo nghĩ quá nhiều đến dịch bệnh nữa. Sau dịch đợt 1 họ đã “ngấm đòn” đủ đau nên bây giờ việc họ làm là tìm mọi cách để tồn tại và thích nghi.
Khi dịch bệnh mới bùng phát đợt đầu năm, rất nhiều những chương trình, những sự kiện đã được tổ chức nhằm đưa ra những giải pháp cho các chủ DN, cùng hỗ trợ nhau kết bè “vượt bão”. Rất nhiều những hội, nhóm.. được thành lập để cùng nhau thảo luận đối sách và phương án để áp dụng cho DN trong giai đoạn khủng hoảng bởi dịch bệnh. Nhà nước, Chính phủ cũng đưa ra rất nhiều các chính sách hỗ trợ DN trong mùa dịch. Nhưng sang giai đoạn này, tất cả dường như trầm lắng hơn. Dường như các DN đã thích nghi và chủ động hơn với tình hình mới. DN nào không đủ năng lực đã bị đào thải ở đợt 1. Những DN còn tồn tại họ sẽ có những giải pháp, những thay đổi cho phù hợp để tồn tại và phát triển ngay cả khi dịch bệnh có trở nên phức tạp hơn nữa.
Chị Nguyễn Tố Uyên – CEO Coll Group cho rằng, ở đợt 2 của dịch bệnh này thì không riêng gì DN của chị mà tất cả các chủ DN đều đã lường trước và xác định tinh thần với nhau luôn là sẽ phải “sống chung” với dịch bệnh. Nghĩa là tất cả ở hiện tại đang coi nó chỉ như một loại bệnh dịch thông thường để tiếp tục sống chung với nó mà thôi.
Chị Uyên cũng cho biết thêm, “dù ở hoàn cảnh nào thì mọi người vẫn phải ăn, phải sống và phải kiếm tiền. Đó là những nhu cầu thiết yếu nên thời điểm này mọi người đang dần chấp nhận nó. Chính vì vậy mà những chủ doanh nghiệp như chúng tôi tự phải biết thích nghi , miễn dịch để sống chung với Covid-19”.
Anh T.V, Giám đốc của một Công ty điện lạnh tại Hà Nội cũng đồng quan điểm. Anh cho biết, “bây giờ quan trọng nhất của DN là làm thế nào để có tiền duy trì hoạt động của DN, đảm bảo việc làm và đời sống cho anh em lao động. Nên dù dịch bệnh có diễn biến thế nào đi nữa thì bọn mình vẫn phải tìm cách để thích nghi và tồn tại thôi”.
Hiện tại, nhiều DN đang phải chạy đua với thời gian, gồng hết sức để duy trì hoạt động kinh doanh và dồn toàn lực cho 6 tháng cuối năm với hy vọng sẽ “lấy lại được những gì đã mất”.
Theo Huyền Phạm
"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-dang-tu-mien-dich-thich-nghi-de-song-chung-voi-covid-19/20200823020837503"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/doanh-nghiep-dang-tu-mien-dich-thich-nghi-de-song-chung-voi-covid-19-a8415.html